Trả lời bạn xem truyền hình ngày 11/8/2020

Thứ 3, 11.08.2020 | 10:17:32
793 lượt xem

Câu 1. Ông Nông Văn Chàng, trú tại xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng hỏi: Điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam đối với người nước ngoài được quy định như thế nào? 

Trả lời: 

Theo Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019), người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: 

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của Luật này. Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng.

- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh sau đây:

+ Không đủ điều kiện nhập cảnh nói trên.

+ Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

+ Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

+ Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

+ Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

+ Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

+ Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.

+ Vì lý do thiên tai.

+ Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện quy định nói trên và nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.

Câu 2. Ông Lương Thanh Bàn, trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng hỏi: pháp luật quy định như thế nào về xử lý y tế đối với người khi thực hiện kiểm dịch y tế biên giới?

Trả lời: 

Theo Điều 11 Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới quy định như sau:

1. Đối tượng xử lý y tế:

a) Có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Đối tượng không có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng đối với người xuất phát từ hoặc đi đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh thuộc nhóm A mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng;

c) Đối tượng có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng đã hết hiệu lực đối với người xuất phát từ hoặc đi đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh thuộc nhóm A mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng;

d) Người tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

2. Đối với đối tượng có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh;

- Chuyển đến khu vực cách ly y tế tại cửa khẩu. Việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

- Khám và điều trị ban đầu;

- Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, khử khuẩn;

- Chuyển về cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm để dự phòng và điều trị theo quy định.

3. Sau khi hoàn thành, tổ chức kiểm dịch y tế cấp ngay giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng. Chỉ áp dụng biện pháp tiêm chủng đối với bệnh có vắc xin và đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.

4. Đối tượng là người tiếp xúc với người nhập cảnh có dấu hiệu mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế lập danh sách đầy đủ các thông tin về họ tên, điện thoại, địa chỉ liên lạc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định, đồng thời áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp dự phòng;

- Tuyên truyền, tư vấn phòng chống dịch bệnh;

- Lập phương án theo dõi người tiếp xúc.

5. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế, kiểm dịch viên y tế xác nhận vào tờ khai y tế, kết thúc quy trình kiểm dịch và thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người bị xử lý y tế.

6. Đối với người chưa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh nhưng có yêu cầu cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng để xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thì người đó phải làm đơn và chứng minh việc sử dụng vắc xin, biện pháp dự phòng đã áp dụng trước đó còn hiệu lực với tổ chức kiểm dịch y tế biên giới.

Câu 3. Ông Nguyễn Trung Thành, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc hỏi: Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 38 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì:

-Việc công bố dịch được thực hiện theo nguyên tắc:

+ Mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố;

+ Việc công bố dịch và hết dịch phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

- Thẩm quyền công bố dịch được quy định như sau:

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C;

+ Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch;

+ Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch, người có thẩm quyền công bố dịch nêu trên quyết định việc công bố dịch.

Thực hiện quy định trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định trên./.

  • Từ khóa