Thực hiện Đề án 818: Bước chuyển từ bao cấp sang xã hội hóa

Thứ 5, 22.10.2020 | 14:20:03
859 lượt xem

Sau gần 5 năm thực hiện, Đề án “Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 -2020” (Đề án 818) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét.

Đề án 818 được huyện Bắc Sơn triển khai thực hiện từ tháng 8/2016. Thời điểm đó, một bộ phận người dân vẫn chưa coi trọng việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, vẫn tồn tại tư tưởng muốn có nhiều con và thói quen được bao cấp dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ.

Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số (DS), Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Để thay đổi nhận thức người dân, trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị truyền thông lồng ghép các chương trình y tế – DS kết hợp với giới thiệu các sản phẩm thuộc Đề án 818 của Tổng cục DS – KHHGĐ và tư vấn cho những đối tượng có nhu cầu lựa chọn những dịch vụ chất lượng, phù hợp và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác như: tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, qua mạng xã hội… Nhờ đó, doanh số bán sản phẩm của huyện Bắc Sơn từ tháng 8/2016 đến nay, đạt hơn 850 triệu đồng, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.

Người dân mua các sản phẩm của Đề án 818 tại Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn

Chị Triệu Thị Lành, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Khi tôi sinh cháu thứ hai được 4 tháng, tôi được cán bộ trạm y tế xã hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn, tôi đã tin tưởng lựa chọn các sản phẩm của Đề án 818. Giá thành cũng tương đương với các hiệu thuốc nhưng chất lượng được đảm bảo. Tôi dùng thấy tốt nên đã giới thiệu cho chị em, bạn bè.

Cùng với Bắc Sơn, huyện Hữu Lũng cũng tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả đề án. Ông Mè Quý Minh, chuyên viên Phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai nhiều biện pháp trong thực hiện đề án như: truyền thông, phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa SKSS, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Nhờ vậy, sau gần 5 năm triển khai đề án, 70% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được cung cấp thông tin, kiến thức về các sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng sau khi mua sản phẩm về sử dụng thấy tốt cũng đã giới thiệu đến những người khác.

Thực tế trên cho thấy, các sản phẩm của Đề án 818 đã và đang từng bước ổn định thị trường. Từ chỗ được “bao cấp, miễn phí”, người dân đã chủ động trả tiền để được lựa chọn sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Để có kết quả đó, từ năm 2016 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức của người dân. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền lồng ghép, nói chuyện chuyên đề cung cấp hàng hóa SKSS/KHHGĐ, tuyên truyền hoạt động các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được hơn 4.000 buổi với hơn 200.000 lượt người tham dự; tư vấn được gần 20.000 lượt người. Cùng với đó, hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn về truyền thông, phân phối các sản phẩm Đề án 818 cho các cán bộ chuyên trách DS và cộng tác viên dân số để củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa SKSS.

Theo số liệu thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã phân phối được hơn 55.900 vỉ thuốc tránh thai Anna, hơn 237.500 chiếc bao cao su Hello, gần 2.300 lọ dung dịch vệ sinh đa năng Gynopro, 2.200 hộp Canxi D3… Số tiền thu được chuyển về Ban quản lý Đề án 818 Trung ương được hơn 3,3 tỉ đồng.

Với những hoạt động được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh tới cấp huyện, Đề án 818 bước đầu đã đạt được kết quả khích lệ, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ. Đến nay, tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh còn 2,13 con/phụ nữ, giảm 0,21 con/phụ nữ so với năm 2016. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm đáng kể, năm 2019 là 5,2%, giảm hơn 4,2% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian tới, chi cục tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Sở Y tế  chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả đề án. Đồng thời rà soát, theo dõi, nắm chắc số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, số người sinh con thứ ba và người có nguy cơ sinh con thứ ba trở lên để có biện pháp tuyên truyền, tư vấn, vận động, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu y tế – dân số trên địa bàn.

Lạng Sơn hiện đang triển khai phân phối 11 sản phẩm PTTT, hàng hóa SKSS/KHHGĐ theo phân khúc thị trường bao gồm:
Nhóm sản phẩm, hàng hóa kế hoạch hóa gia đình: viên uống tránh thai Anna, bao cao su Hello, Hello Plus, Young Lovers.
Nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS: viên bổ sung vi chất Prenatal, dung dịch vệ sinh Vagis, dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro, gel bôi trơn Sensi Love, bột Unical For Rice (bổ sung Canxi).


NGỌC HIẾU - TRIỆU THÀNH/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/319336-thuc-hien-de-an-818-buoc-chuyen-tu-bao-cap-sang-xa-hoi-hoa.html

  • Từ khóa