Trả lời bạn xem truyền hình ngày 03/11/2020

Thứ 3, 03.11.2020 | 08:40:51
1,110 lượt xem

Câu 1. Ông Phùng Văn Thủy, trú tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn hỏi: Quy định của pháp luật về Xử lý hành vi mang thai hộ, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như thế nào?

Trả lời:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015, “là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Các bên nhờ và được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật. Vì dụ, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Như vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hành vi hợp pháp, nhưng cần đáp ứng các điều kiện nêu trên. Ngược lại, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 của Luật này là “thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính”.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại, theo khoản 23 Điều 3 của Luật này, “là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”.

Người có hành vi vi phạm quy định nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Xử lý hành chính: Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Đồng thời, người vi phạm còn bị ap dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2 của Điều này là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

- Xử lý hình sự: Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Căn cứ quy định nêu trên, người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền tối đa là 10 triệu đồng. Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hình sự, với mức hình phạt cao nhất là 05 năm tù. 

Câu 2. Bà Hoàng Thị Hồng, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Đối tượng, tiêu chuẩn, độ tuổi tuyển chọn và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định như thế nào? Hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân gồm có giấy tờ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân quy định “Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng”. Điều 12 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự là: “Công dân nam Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên; Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên”.

Bên cạnh đó, khoản 2 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định nguyên tắc tuyển chọn nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân như sau: “Tuyển đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, lấy tiêu chuẩn từ cao xuống thấp; thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, an toàn, tiết kiệm; đúng đối tượng, tiêu chuẩn, thời gian theo quy định của pháp luật;Ưu tiên tuyển chọn và gọi thực hiện nghĩa vụ những công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có năng khiếu hoặc chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân”. Đồng thời Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định: “Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuôi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân”.

Như vậy, đối tượng thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân là công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuôi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Ưu tiên tuyển chọn và gọi thực hiện nghĩa vụ những công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có năng khiếu hoặc chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của Công an nhân dân

- Về độ tuổi tuyển chọn: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP quy định: “Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ”.

- Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP, cụ thể:

 “ Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân”.

- Tiêu chuẩn tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định tại Điều 5 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 như sau:

“1. Có lý lịch rõ ràng.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.

3. Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

4. Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

5. Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.”

- Hồ sơ tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân quy định tại Điều 6 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP như sau:

“Công dân tham dự tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân nộp cho Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) nơi công dân có hộ khẩu thường trú các giấy tờ sau:

1. Tờ khai đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo mẫu Phụ lục dưới đây, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang công tác, học tập;

2. Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự”. 

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua, chúng tôi nhận được đơn thư của Bà Liễu Thị Bích trú tại thôn Lũng Cải, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan thắc mắc về việc tranh chấp đất đai của gia đình bà.

Đơn của bà, chúng tôi đã gửi đến UBND xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa