Trả lời bạn xem truyền hình ngày 09/11/2020

Thứ 3, 10.11.2020 | 10:30:59
1,266 lượt xem

Câu 1. Bà Nguyễn Thị Minh, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trường hợp mẹ đơn thân (chưa kết hôn) đăng ký khai sinh cho con thì nộp giấy tờ gì thay thế giấy chứng nhận đăng ký kết hôn?

Trả lời: 

Theo quy định tại  khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014, “Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này”.Nội dung đăng ký khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.

Thủ tục đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 16 của Luật này như sau:

“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.

Như vậy, người đi đăng ký khai sinh có trách nhiệm nộp giấy tờ nêu trên cho cơ quan đăng ký hộ tịch để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Thông thường, bao gồm tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, “trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn”. Điều đó đồng nghĩa, giấy tờ này chỉ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan đăng ký hộ tịch khi cha, mẹ người được khai sinh đã kết hôn. Vì vậy, trường hợp bạn nêu chỉ cần nộp, xuất trình các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch nêu trên. Đương nhiên, cũng như bất kỳ thủ tục hành chính nào khác, người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân.

Cũng cần lưu ý, theo khoản 1 Điều 15 của Luật này, “trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”. Được khai sinh là quyền nhân thân của cá nhân. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của bố mẹ. Cho nên, việc khai sinh cho con là trách nhiệm của bố, mẹ. Trường hợp bố, mẹ cháu không thể thực hiện, ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho cháu.

Câu 2. Ông Trịnh Bình Minh, trú tại xã Long Đống, huyện Bắc Sơn hỏi: Tôi và mấy anh chị em chuẩn bị thành lập Công ty; Mọi người thống nhất tôi sẽ góp vốn bằng chính thửa đất thuộc quyền sử dụng của tôi (trên Giấy chứng nhận đã thể hiện mục đích sử dụng là đất sản xuất) để làm nhà máy. Xin hỏi tôi có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất hay không?Khi góp vốn như vậy, có phải chuyển quyền sử dụng từ tôi sang cho Công ty hay không? Thủ tục thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.Tài sản góp vốn, theo khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014, “có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Như vậy, ông có thể góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của Công ty cùng với những người khác.Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này như sau:

a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;

b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.

Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty;

c) Cổ phần hoặc phần vốn góp bằng tài sản không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty”.

Quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Cho nên, khi góp vốn, ông phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu là doanh nghiệp tư nhân do ông làm chủ, sử dụng quyền sử dụng đất vào hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp tư nhân này thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp.

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, “chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những quyền của người sử dụng đất. Lưu ý, ông chỉ có thể thực hiện quyền này khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng góp vốn thành lập công ty bằng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Ông có nghĩa vụ thực hiện đăng ký biến động đất đai. Bởi vì, theo điểm a khoản 4 Điều 95 của Luật này, một trong những trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận phải đăng ký biến động là “người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất”.Đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã kê khai đăng ký được ghi vào Sổ địa chính. Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.Ông cần nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện tại tổ chức đăng ký đất đai thuộc cơ quan quản lý đất đai, bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động.

Theo khoản 2 Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

“a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã”.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua, chúng tôi có nhận được đơn thư của ông Âu Viết Kín trú tại thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc. 

Như trong đơn ông trình bày thì có đủ cơ sở xác định ông có quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 104 tờ bản đồ số 26 tại Thị trấn Đồng Đăng. Nếu trong gia đình không thỏa thuận được với nhau về quyền sử dụng đất, ông có thể làm đơn gửi UBND thị trấn Đồng Đăng để giải quyết theo quy định của pháp luật./.

  • Từ khóa