Công nghệ thu phí đường bộ trong 0,2 giây

Thứ 2, 28.12.2020 | 14:26:50
1,829 lượt xem

Hệ thống thu phí không dừng ePass có khả năng xử lý mỗi giao dịch trong 0,2 giây, dự kiến sẽ triển khai ở 35 trạm thu phí trên cả nước trong năm nay.

Thách thức được Bộ Giao thông Vận tải đặt ra cho hệ thống thu phí không dừng tại Việt Nam là cần đọc được dữ liệu của xe đang di chuyển với tốc độ 40 km/h, đồng thời xử lý giao dịch trong thời gian dưới 200 mili giây. Yêu cầu này có nghĩa là khi xe đi đến gần barrier của trạm thu phí, giao dịch đã hoàn thành và barrier mở lên để xe đi qua.

VDTC - công ty thành viên của Viettel và là đơn vị trực tiếp phát triển ePass - đã giải được bài toán này. Đại diện công ty cho biết, thời gian chung để barrier tại trạm thu phí nâng lên là khoảng 0,6 giây, còn thời gian hệ thống ePass xử lý giao dịch thu phí là 0,2 giây, nên mỗi xe qua trạm sẽ chỉ mất tổng cộng chưa đến một giây cho việc thu phí.

Theo tính toán của VDTC, các xe sẽ không phải dừng khi đi qua trạm thu phí, do đó, tiết kiệm thời gian hơn 60 lần so với sử dụng cách soát vé thủ công. Tuy nhiên, các xe cần đảm bảo một số điều kiện, như tài khoản còn đủ tiền, thẻ dán trên xe không bị hỏng, tốc độ qua trạm dưới 40 km/h...

Trung tâm giám sát điều hành VDTC ePass đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Ảnh: Lưu Quý

Trung tâm giám sát điều hành VDTC ePass đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Ảnh: Lưu Quý

Cơ chế chung việc thu phí tự động là người dùng sẽ tạo một tài khoản trên hệ thống, có thông tin về xe, chủ xe, sau đó nạp sẵn tiền hoặc liên kết với ngân hàng. Mỗi tài khoản sẽ được cấp một tấm thẻ dán kính lái phía trước xe. Khi đi đến gần trạm thu phí có hỗ trợ công nghệ này, hệ thống sẽ đọc thông tin từ tấm thẻ hoặc biển số, thu phí đường bộ từ tài khoản của người dùng. Nếu giao dịch thành công, barrier sẽ tự động mở. Người dùng không cần dừng xe, trả tiền mặt, mua vé... như cách truyền thống.

Theo VDTC, đây là một hệ thống phức tạp, kết hợp nhiều công nghệ từ vô tuyến, truyền dẫn, cơ điện, cho đến hệ thống tính cước, quản lý khách hàng, hậu kiểm. Đơn vị này phải ứng dụng nhiều công nghệ có sẵn trong hệ sinh thái của Viettel, như OCR để đọc thông tin từ giấy tờ, giúp người dùng đăng ký tài khoản qua mạng; hệ thống tính cước thời gian thức OCS; giải pháp thanh toán qua ví điện tử, ngân hàng...

Người đi xe có thể đăng ký sử dụng dịch vụ qua ứng dụng hoặc website ePass, thanh toán phí đường bộ bằng Viettel Pay, Momo, thẻ Visa hoặc tài khoản 40 ngân hàng trong nước.

ePass dự kiến triển khai vào ngày 29/12 tới, song song với giải pháp của một đơn vị khác là VETC. Viettel cho biết sẽ triển khai đồng loạt 35 trạm thu phí ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó, 25 trạm do đơn vị này thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ, 10 trạm là liên kết với các nhà đầu tư BOT.

Tuy nhiên, đại diện đơn vị phát triển cho rằng các hệ thống thu phí ở Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như tỷ lệ xe sử dụng còn thấp; dữ liệu của 2 nhà cung cấp (VETC và VDTC) chưa đồng bộ...

Thẻ dán trên xe giúp hệ thống RFID có thể nhận diện được thông tin xe khi qua trạm thu phí. Ảnh: Lưu Quý

Thẻ dán trên xe giúp hệ thống RFID có thể nhận diện được thông tin xe khi qua trạm thu phí. Ảnh: Lưu Quý

Việt Nam hiện có khoảng 3,8 triệu ôtô đang lưu thông, nhưng theo đại diện VDTC, lượng xe dán thẻ thu phí không dừng mới đạt khoảng một triệu, trong đó, khoảng 30% ở trạng thái hoạt động. Hiện trạng là nhiều xe không đăng ký thu phí tự động đi nhầm làn, dẫn đến tắc nghẽn. Ngoài ra, nhiều chủ xe không tuân thủ tốc độ quy định 40 km/h dẫn đến nguy cơ đâm vào barrier.

Trên thế giới hiện có 50 nước triển khai hệ thống thu phí không dừng, trong đó có 13 nước tại châu Á. Tuy nhiên, các nước trên thế giới sử dụng hệ thống thu phí Free Flow - trạm thu phí không cần barrier và xe có thể chạy suốt và việc tính phí được thực hiện sau.


Lưu Quý/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/cong-nghe-thu-phi-duong-bo-trong-0-2-giay-4212637.html

  • Từ khóa