Ngày đẫm máu nhất trong một tháng biểu tình ở Myanmar

Thứ 2, 01.03.2021 | 14:38:47
250 lượt xem

28/2 đánh dấu bước ngoặt đau thương của phong trào phản đối đảo chính ở Myanmar khi người biểu tình bị trấn áp thẳng tay bởi lực lượng an ninh.

Lực lượng an ninh với sự trợ giúp của quân đội Myanmar ngày 28/2 nổ súng vào những người biểu tình ôn hòa ở một số thành phố, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, theo Liên Hợp Quốc.

Các video và hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy cảnh nhiều người nằm la liệt trên đường phố, máu dính khắp cơ thể, trong khi số khác cố tháo chạy khỏi cảnh sát khi hơi cay và khói trắng bốc lên mù mịt. Cuộc trấn áp mới nhất của Myanmar đối với người biểu tình đã hứng chịu vô số chỉ trích gay gắt từ quốc tế.

Một người biểu tình tại Mandalay bị thương ở chân sau khi trúng đạn của cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Một người biểu tình tại Mandalay bị thương ở chân sau khi trúng đạn của cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Phản ứng quyết liệt từ quân đội cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền quân sự trong nỗ lực dập tắt bất ổn tại Myanmar đã kéo dài suốt một tháng qua kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực leo thang nhằm vào người biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội lập tức ngừng sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ôn hòa", phát ngôn viên văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc Ravina Shamdasani hôm qua cho hay.

Tại thành phố Dawei phía nam Myanmar, cảnh sát đã nổ súng vào đám đông hàng trăm người, các nhân chứng chia sẻ với báo New York Times. Ít nhất ba người đã thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương, bác sĩ Tun Min, người chữa trị cho các nạn nhân tại bệnh viện, nói. Một bác sĩ giấu tên cũng xác nhận con số trên.

Các bác sĩ ở Mandalay xác nhận có ba vụ nổ súng dẫn tới tử vong tại đây và thương vong cũng được ghi nhận ở Yangon và thành phố Mawlamyine. Thông cáo từ Liên Hợp Quốc cho biết họ có báo cáo về người chết "do đạn bắn vào đám đông" ở Yangon, Mandalay và Dawei cùng các thành phố Myeik, Bago và Pokokku.

Đây là con số thương vong lớn nhất trong một ngày kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội nhằm lật đổ chính quyền dân cử tại Myanmar. Trước ngày 28/2, chỉ ba trường hợp tử vong được đưa tin rộng rãi, dù hai cái chết khác gần đây được đưa ra qua lời kể từ gia đình nạn nhân.

Chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing trước đây tỏ ra khá kiềm chế trong phản ứng với người biểu tình và phong trào bất tuân dân sự đang nổ ra trên khắp Myanmar. Nhưng khi các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối đảo chính không có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ một cuộc đàn áp đẫm máu, quy mô lớn hơn đang ngày càng trở nên rõ ràng. Năm 1988 và 2007, quân đội Myanmar cũng đã dập tắt các phong trào dân chủ bằng cách bắn vào người biểu tình.

Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, U Maung Maung Oo, một người biểu tình, đã bị bắn chết với một viên đạn trúng đầu, xuyên qua mũ bảo hiểm trong lúc đang tháo chạy khỏi cảnh sát và binh sĩ quân đội. Hai người khác bị thương.

U Si Thu, một bác sĩ tham gia biểu tình, cho biết ông và ba nạn nhân nằm trong số khoảng 50 người đang cố tìm cách chạy trốn khỏi cảnh sát và quân đội, những người đã phá vỡ kế hoạch biểu tình của họ trước khi nó bắt đầu.

"Tôi không biết đạn đến từ đâu nhưng một người đàn ông bị bắn trúng trán và ngã xuống", bác sĩ Si Thu kể lại. Một đoạn video đăng trên mạng xã hội Twitter cho thấy một số người đã khiêng nạn nhân lên xe cứu thương. Máu từ vết thương nhỏ đẫm mặt đất.

Nạn nhân U Maung Maung Oo được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Mandalay sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu. Ảnh: NYTimes.

Nạn nhân U Maung Maung Oo được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Mandalay sau khi bị cảnh sát bắn vào đầu. Ảnh: NYTimes.

Vài phút sau khi xe cứu thương rời đi, một chiếc xe tải quân đội dừng lại ở phía cuối đường và binh sĩ bắt đầu xả đạn vào đám đông, khiến hai người bị thương, một ở ngực, một ở cánh tay, theo lời bác sĩ Si Thu.

Maung Maung Oo được đưa tới Bệnh viện Hiệp hội Xã hội Byamaso và qua đời tại đây, theo bác sĩ U Zar Ni. Theo lời bác sĩ U Lei Lei, một người biểu tình khác cũng qua đời tại bệnh viện này cùng ngày.

Sau khi hầu hết những người biểu tình ở Mandalay đều đã giải tán, một phụ nữ bị bắn trúng đầu và thiệt mạng khi cảnh sát và binh lính dọn hàng rào và bắn những người trên đường, dường như là ngẫu nhiên, theo lời kể nhân chứng. Nữ nạn nhân chết trên đường tới bệnh viện Byamaso.

Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, một người biểu tình tên Hein Htut Aung, 23 tuổi, bị bắn và thiệt mạng tại cuộc biểu tình ở khu Thingangyun Township. Bệnh viện Nadi Ayar, nơi bệnh nhân được đưa tới, xác nhận cái chết của anh. Một người biểu tình khác ở Yangon, Nyi Nyi Aung Htet Naing, cũng bị bắn và không qua khỏi, theo thành viên gia đình anh. Bài đăng cuối cùng trên Facebook của Aung Htet Naing đặt câu hỏi trong dòng hashtag: "Bao nhiêu thi thể nữa thì Liên Hợp Quốc mới hành động?".

Khi các giáo viên tập hợp để tuần hành tại một cuộc biểu tình khác ở Yangon, cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su về phía họ. Một giáo viên tiểu học tên Daw Tin Nwet Yi đã chết vì lên cơn đau tim, nhận chứng cho hay.

Cảnh sát cũng bắt ít nhất 100 sinh viên y khoa tại Yangon khi họ chuẩn bị tuần hành. Các bác sĩ là những người đi đầu trong phong trào bất tuân dân sự. Nhiều người đã từ chối làm việc tại các bệnh viện của chính phủ, nơi nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội sau đảo chính.

Khi cảnh sát chuẩn bị đưa các sinh viên y khoa lên xe tải, người dân đã đổ ra đường chặn xe lại song cuối cùng cảnh sát vẫn vượt qua được.

Người đầu tiên được cho là đã thiệt mạng trong biểu tình hồi tháng hai ở Myanmar là Mya Thwate Thwate Kaing, 20 tuổi. Cô bị cảnh sát bắn vào đầu khi tham gia biểu tình ở thủ đô Naypyidaw ngày 9/2. Thwate Kaing qua đời 10 ngày sau đó, trở thành một biểu tượng của phong trào phản đối đảo chính.

Một ngày sau cái chết của Thwate Kaing, lực lượng an ninh đã nã đạn vào đám đông biểu tình tại một nhà máy đóng tàu ở Mandalay, khiến hai người thiệt mạng, trong đó có một thiếu niên 16 tuổi, và hàng chục người bị thương.

Một người đàn ông khác tham gia biểu tình ở xưởng đóng tàu, thương nhân đá quý U Kyi Soe, 48 tuổi, bị cảnh sát đánh và qua đời trong đêm, theo lời vợ ông, Daw Chaw Ei Thein.

Kyi Soe tới khu chợ gần địa điểm biểu tình để mua thức ăn và không thể trở về nhà. Một người bạn sau đó gọi báo cho gia đình rằng ông bị cảnh sát đánh đập thậm tệ.

Do lệnh giới nghiêm, Chaw Ei Thein không thể gặp chồng mình cho tới tận sáng hôm sau. Khi bà đến nơi, ông đã qua đời.

Người biểu tình dựng rào ngăn lực lượng an ninh tiến vào khu phố của họ ở Mandalay ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

Người biểu tình dựng rào ngăn lực lượng an ninh tiến vào khu phố của họ ở Mandalay ngày 28/2. Ảnh: NYTimes.

"Theo các nhân chứng, ông ấy đã bị cảnh sát đánh đập dã man trong cuộc biểu tình. Tôi nhìn thấy một vết bầm lớn phía dưới bên trái đầu của anh ấy", bà kể. Chaw Ei Thein không khám nghiệm tử thi vì bà biết rõ ràng chồng mình đã chết vì bị đánh.

Một người khác tử vong trong cuộc biểu tình ở xưởng đóng tàu là U Yarzar Aung, 26 tuổi, công nhân xây dựng, bị lực lượng an ninh bắn vào gối. Anh được đưa tới một bệnh viện quân sự nhưng người thân không thể gặp mặt.

4 ngày sau cuộc biểu tình, bệnh viện liên lạc với gia đình thông báo anh đã qua đời. Thời điểm đó, vợ anh, Daw Phyu Phyu Win, được phép gặp mặt chồng. Theo lời cô, thi thể Yarzar Aung vẫn bị còng vào giường bệnh viện.

"Khi tôi thấy chồng mình tại bệnh viện, có rất nhiều vết bầm tím và vết thương trên mặt anh ấy", cô nói trong một cuộc phỏng vấn. "Họ bảo rằng chồng tôi cố tìm cách bỏ trốn nên họ phải trói anh ấy lại".

Phyu Phyu Win muốn đưa thi thể chồng mình đi chôn nhưng các bác sĩ từ chối. Họ bảo rằng anh chết vì Covid-19 nên thi thể phải được hỏa táng ngay lập tức.


Vũ Hoàng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/ngay-dam-mau-nhat-trong-mot-thang-bieu-tinh-o-myanmar-4241540.html

  • Từ khóa