Vaccine Covid-19 ‘đổ bộ’ Đông Nam Á

Thứ 3, 02.03.2021 | 14:28:41
370 lượt xem

Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia nhận và triển khai các lô vaccine đầu tiên nhằm kiểm soát đại dịch.

Thái Lan hôm 28/2 là nước mới nhất triển khai tiêm phòng Covid-19. Nước này bắt đầu chương trình chủng ngừa Covid-19 với vaccine của công ty Công nghệ sinh học Sinovac, Trung Quốc. Nhóm ưu tiên là nhân viên y tế. Buổi tiêm phòng được truyền hình trực tiếp trên đài NBT quốc gia. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cùng 4 bộ trưởng khác cũng tham gia tiêm chủng.

"Sự kiện hôm nay nhằm đảm bảo với công chúng về độ an toàn của vaccine mà chính phủ triển khai. Tiêm phòng toàn quốc là bước quan trọng cần thực hiện để đẩy lùi Covid-19", Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phát biểu.

Hôm 22/2, Thái Lan tiếp nhận 200.000 liều vaccine Sinovac tại sân bay Bangkok. Đây là lô vaccine đầu tiên trong tổng cộng 2 triệu liều nước này đặt mua từ Trung Quốc.

Chính phủ cũng phê duyệt vaccine AstraZeneca và đặt trước 61 triệu liều. Ngày 24/2, các lô hàng đã đến Thái Lan, song cần hoàn thành quy trình đảm bảo chất lượng.

Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á đặt mục tiêu tiêm chủng bao phủ 50% dân số vào cuối năm nay, khi chính phủ cố gắng mở cửa lại biên giới. Vaccine được triển khai trước tiên ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nakorn Premsri, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia, cho biết Bangkok đã quyết định không tham gia chương trình phân phối công bằng toàn cầu Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là nước ASEAN duy nhất có động thái này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng của Thái Lan Anutin Charnvirakul tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, ngày 28/2. Ảnh: Xinhua.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng của Thái Lan Anutin Charnvirakul tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, ngày 28/2. Ảnh: Xinhua.

Indonesia - một trong những "khách hàng" lớn của thị trường vaccine Trung Quốc - đã nhận 1,2 triệu liều vaccine Sinovac đầu tháng 12/2020. Tính tới ngày 9/2, nước này đặt mua tổng cộng 50 triệu liều tiêm từ Sinovac và 60 triệu liều vaccine Sinopharm.

Indonesia bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà hôm 13/1. Hình ảnh Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận liều tiêm vaccine đầu tiên của hãng dược Sinovac được phát trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Tính tới ngày 27/2, gần 1,6 triệu dân đã được tiêm vaccine, trong đó khoảng 1 triệu người nhận đủ hai mũi.

Indonesia đang triển khai chương trình tiêm chủng thứ hai, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng cho 181,5 triệu dân trong 15 tháng tới, thứ trưởng Bộ Y tế Dante Saksono tuyên bố.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hy vọng tiêm chủng đại trà sẽ giúp giảm số ca nhiễm đang tăng mạnh (trên 1,3 triệu ca) và phục hồi kinh tế.

Malaysia cũng đã nhận 300.000 liều vaccine đầu tiên từ hãng Sinovac hôm 27/2. Trước đó, Sinovac ký hợp đồng cung cấp 14 triệu liều vaccine.

Tới nay, Malaysia đặt mua 66,7 triệu liều vaccine Covid-19 thông qua chương trình Covax và hợp đồng ký với 5 hãng sản xuất gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CanSinoBIO và Viện Gamaleya của Nga (vaccine Sputnik V). Số vaccine này đủ tiêm cho tới gần 110% dân số.

Hôm 7/2, Myanmar trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cấp phép cho vaccine Sputnik V của Nga. Giữa tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển cho Myanmar một lô vaccine Covid-19 miễn phí nhằm giúp nước này ứng phó với đại dịch.

Philippines hôm 28/2 nhận 600.000 liều vaccine Covid-19 từ Trung Quốc, chuẩn bị khởi động chương trình tiêm chủng của đất nước.

Khoảng 525.000 liều vaccine AstraZeneca dự kiến cập bến Philippines đầu tháng 3. Đây là một phần trong chương Covax. Các mũi tiêm cũng sẽ được sử dụng cho đội ngũ nhân viên y tế.

Chính phủ Philippines đang đàm phán mua vaccine với 7 nhà sản xuất, hy vọng mua đủ số liều để tiêm chủng cho 70 triệu người, chiếm khoảng 60% dân số, trong năm nay. Tuy nhiên, phần lớn số vaccine sẽ khó đến tay người dùng cho tới mùa hè này.

Tại Việt Nam, sáng 24/2, 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Lô vaccine nằm trong số 30 triệu liều mà Việt Nam đặt mua. Ngoài ra, Liên minh vaccine toàn cầu Covax sẽ viện trợ cho Việt Nam khoảng 4,9 triệu liều cũng của AstraZeneca trong quý 1 và 2. Trong quý 3 sẽ có thêm 33 triệu liều.

Lô vaccine đầu tiên về Việt Nam ngày 24/2, tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Lô vaccine đầu tiên về Việt Nam ngày 24/2, tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Trước đó, ngày 1/2, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine Covid-19 của AstraZeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Vaccine này đã được cấp phép lưu hành một năm hoặc nhập khẩu có điều kiện tại Philippines, Thái Lan, Anh, Việt Nam và một số quốc gia khác. Vaccine được chuyển đến Việt Nam trong 7 đợt với tổng cộng 150 triệu liều, kéo dài từ năm nay đến khoảng quý 2 năm sau.

Lào, Campuchia, Singapore, Brunei cũng đã tiếp nhận những lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ nước ngoài.


Lê Hằng/vnexpress.net

https://vnexpress.net/vaccine-covid-19-do-bo-dong-nam-a-4242141.html

  • Từ khóa