Trả lời bạn xem truyền hình ngày 06/04/2021

Thứ 3, 06.04.2021 | 09:57:42
821 lượt xem

Câu 1. Bà Nguyễn Thị Tú, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn hỏi: Xin hỏi người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/NQ-HDDBCQG ngày 18/1/2021 của Hội đồng bầu cử quốc gia quy định hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như sau:

Điều 2. Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 gồm:

a) Đơn ứng cử: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 01/HĐBC-QH; đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo mẫu số 06/HĐBC-HĐND;

b) Sơ yếu lý lịch có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 02/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo mẫu số 07/HĐBC-HĐND;

c) Tiểu sử tóm tắt: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 03/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo mẫu số 08/HĐBC-HĐND;

d) Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử: đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo mẫu số 04/HĐBC-QH, đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo mẫu số 09/HĐBC-HĐND;

đ) Mỗi bộ hồ sơ ứng cử của người ứng cử gửi kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4cm x 6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt).

2. Người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết này. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.

Như vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập là một trong những yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Việc kê khai khải thực hiện đầy đủ, chính xác theo yêu cầu quy định theo Mẫu của Hội đồng bầu cử quốc gia,

Tại Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau:

Điều 34. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100%, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Như vậy, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập.

Tại khoản 2 Điều 33 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định như sau:

Điều 33. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

2. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Tại khoản 1 Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định như sau:

Điều 51. Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Như vậy, Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

Câu 2. Ông Trần Minh Kiên, trú tại xã Đào Viên huyện Tràng Định hỏi: Các khiếu nại, tố cáo về người ứng cử và các khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được thực hiện như thế nào? 

Trả lời: ]

Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Hội đồng bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp nào thì được gửi tới Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban bầu cử là quyết định cuối cùng.

- Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Không xem xét, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo./.

  • Từ khóa