Trả lời bạn xem truyền hình ngày 03/08/2021

Thứ 3, 03.08.2021 | 09:21:39
675 lượt xem

Câu 1. Ông Hoàng Nhật Anh, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Quy định mới về chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi người có công với cách mạng cụ thể như thế nào?

Trả lời:

          Ngày 24/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

          1. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng

          Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh.

          Tại Phụ lục của Nghị định cũng quy định cụ thể các mức hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là 4,872 triệu đồng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 1,361 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 1,679 triệu đồng; Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là 974.000 đồng.

          2. Nhiều chế độ ưu đãi người có công

          Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; các chế độ ưu đãi khác.

          Trong đó, về điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Nghị định quy định: Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần.

          Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 15% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, tham quan, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.

          3. Về hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học

          Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục mầm non: 0,2 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm. Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người khuyết tật: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.

          Mức hưởng trợ cấp để theo học tại cơ sở phổ thông dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: 0,4 lần mức chuẩn/01 đối tượng/01 năm.

          4. Về hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ

          Nghị định quy định hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ.

          Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người.

          Nghị định cũng bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Ưu đãi người có công với cách mạng mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này.

Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Trong đó: Các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, bảo hiểm y tế, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được thực hiện kể từ ngày 01/7/2021; Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ phương tiện dụng cụ chỉnh hình, phương tiện thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; Chế độ hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; Chế độ hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; Chế độ hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ; Chế độ hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ và các chế độ ưu đãi khác được thực hiện kể từ ngày 01/01/2022. Các chế độ tương ứng đang thực hiện theo Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính Phủ và Nghị định số 32/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ tiếp tục được thực hiện cho đến ngày 31/12/2021.

Câu 2. Bà La Thị Hương, trú tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình hỏi: Pháp luật quy định về Trách nhiệm và quyền lợi của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45, khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau:

- Phải thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động.

- Những trường hợp sau đây được kéo dài thời gian thanh toán nhưng không được quá 30 ngày:

+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

+ Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu đã giữ của người lao động;

- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

Quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, khi chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động được hưởng quyền lợi như sau:

- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;

+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định;

+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc;

+ Đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

+ Người lao động thôi việc thuộc đối tượng được doanh nghiệp trả trợ cấp mất việc làm.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

- Khi cho người lao động thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một tháng tiền lương, ít nhất bằng 02 tháng tiền lương./.

  • Từ khóa