Nhật Bản vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ

Thứ 4, 19.01.2022 | 08:45:02
228 lượt xem

Theo Kyodo News, ngày 18-1, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nâng mức dự báo lạm phát cho tài khóa 2022 bắt đầu từ tháng 4 tới đây và tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tokyo vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2% và đại dịch Covid-19 trỗi dậy làm gia tăng những điều khó đoán định. Tuy nhiên, Thống đốc BOJ Kuroda Haruhiko cho biết, chưa thấy cần thiết phải thay đổi chính sách tiền tệ hiện tại hoặc thảo luận về việc tăng lãi suất bởi ông đánh giá lạm phát đang gia tăng do các yếu tố tạm thời như giá hàng hóa cao hơn.

“Chúng tôi không nghĩ đến và cũng không thảo luận về những khả năng như vậy”, ông Kuroda phát biểu với báo giới sau cuộc họp chính sách của BOJ kéo dài hai ngày.

Nhật Bản vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ
 Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Thống đốc Kuroda đánh giá rằng, đồng yen suy yếu là điều tích cực đối với nền kinh tế Nhật Bản chứ không hẳn là tin xấu. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia nhận định, việc đồng yen mất giá sẽ làm tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu của nước này nhưng cũng làm tăng chi phí nhập khẩu-một vấn đề đau đầu đối với quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên như Nhật Bản, đồng thời làm giảm sức mua của các hộ gia đình.

Sau khi sụt giảm kỷ lục 4,6% trong tài khóa 2020 do sự bùng phát của đại dịch, kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối năm ngoái nhờ những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế Nhật Bản, BOJ ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), không tính thực phẩm tươi, tăng 1,1% trong tài khóa 2022, nhỉnh hơn 0,2% so với dự báo trước đó. Đồng thời, BOJ cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm nay sẽ đạt 3,8%, tăng 0,9% so với dự báo hồi tháng 10-2021, bất chấp những lo ngại gia tăng liên quan đến sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, lạm phát trong nước duy trì ở mức thấp, ngay cả khi chính phủ tung ra các gói kích cầu khổng lồ, BOJ thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng và giá dầu thô liên tục tăng, đang là một trong những vấn đề đáng quan ngại làm kiềm chế sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản.

Mới đây, BOJ dự báo lạm phát ở Nhật Bản có thể sẽ chỉ tăng lên khoảng 1% vào giữa năm 2022. Nếu lạm phát vẫn ở mức thấp, nó sẽ gây khó khăn cho việc thực thi chính sách tiền tệ của thể chế tài chính này. Trên thực tế, lạm phát tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do giá chi phí đầu vào tăng cao, không phải do nhu cầu tiêu thụ thấp.

Vì vậy, ông Kodama Yuichi, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Yasuda Meiji (Nhật Bản) cho rằng, lạm phát do chi phí tăng cao khó có thể kéo dài, đồng nghĩa với việc mục tiêu nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% vẫn nằm ngoài tầm với của nước này.

Vấn đề lạm phát ở xứ sở mặt trời mọc tăng chậm trái ngược với những diễn biến ở Mỹ và châu Âu, những nơi mà lạm phát tăng cao nhờ sự hồi phục của các hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch. 

Chính vì vậy, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay nhiều ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát tăng nhanh, thì BOJ lại thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, bất chấp những lo ngại về “tác dụng phụ” của môi trường lãi suất thấp kéo dài như tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Bên cạnh việc tiếp tục bơm hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế, BOJ đang duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% để giữ chi phí vay vốn của các công ty và hộ gia đình ở mức thấp.


VĂN HIẾU/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhat-ban-van-giu-chinh-sach-noi-long-tien-te-683853

  • Từ khóa