Trả lời bạn xem truyền hình ngày 29/03/2022

Thứ 3, 29.03.2022 | 16:50:09
548 lượt xem

LSTV- Tuần 5 Thứ ba, ngày 29 tháng 3 năm 2022

Câu 1. Ông Nông Văn Đại, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc hỏi: Kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm những nội dung nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Tại Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định nội dung kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, bao gồm:

1. Nội dung kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính:

a) Tổng số vụ vi phạm; tổng số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính; số vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý; số vụ chuyển cơ quan tố tụng để truy cứu trách nhiệm hình sự; số vụ việc cơ quan tố tụng chuyển để xử phạt vi phạm hành chính;

b) Việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

c) Tình hình, kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

d) Việc thực hiện các quy định pháp luật về giải trình;

đ) Việc thực hiện các quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;

e) Việc quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, chứng từ thu nộp tiền phạt;

g) Việc lưu trữ hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

2. Nội dung kiểm tra việc áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính:

a) Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Việc thực hiện các quy định pháp luật về lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Tình hình, kết quả thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

d) Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử lý hành chính;

đ) Những dấu hiệu vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

e) Việc lưu trữ hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Nội dung kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

a) Công tác chỉ đạo, điều hành; việc xây dựng và tiến độ, kết quả triển khai kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

b) Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính; kết quả theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

c) Tổ chức công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ;

d) Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm cho việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; tổng số người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh tại cơ quan, đơn vị;

đ) Việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về xử lý vi phạm hành chính;

e) Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và cung cấp thông tin để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia;

g) Việc thực hiện trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật khác có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.

Câu 2. Ông Lương Văn Chung, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: quy định các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nào được áp dụng khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:

1. Các hình thức xử phạt chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng.

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm:

3.1 Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này;

3.2 Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này;

3.3 Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;

3.4 Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định;

3.5 Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất;

3.6 Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại;

3.7 Buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai;

3.8 Buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định;

3.9 Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định;

3.10 Buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

3.11 Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như trước khi vi phạm;

3.12 Buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai;

3.13 Buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp quy định tại Nghị định này.

3.14 Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Nghị định này;

3.15 Hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả để thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

3.16 Xử lý tài sản tạo lập không hợp pháp quy định của Nghị định này;

3.17 Thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai đối với các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định./.

  • Từ khóa