Bám sát bộ đội, khích lệ kịp thời

Thứ 5, 26.05.2022 | 14:24:22
320 lượt xem

Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) là đơn vị tiêu biểu trong công tác quản lý, giáo dục chiến sĩ. Mặc dù quân số đông, thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao nhưng nhiều năm liền đơn vị luôn ổn định, an toàn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đây là kết quả của việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ theo phương châm “bám sát bộ đội, động viên, khích lệ kịp thời”.

Cán bộ tận tình, theo sát đơn vị

Mới hơn 8 giờ sáng nhưng cái nắng phương Nam đã oi nồng, nóng bức khiến lưng áo cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 (Sư đoàn 9) ướt đẫm mồ hôi. Dù vậy, những tiếng lách cách vẫn đều đặn không ngớt trong đội hình luyện tập động tác bắn súng tiểu liên AK bài 1 trên thao trường. Thiếu úy Văn Đức Chính, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 2, lần lượt kiểm tra đường ngắm của từng chiến sĩ và nhắc nhở, rút kinh nghiệm những hạn chế về tâm lý, động tác bóp cò...

Bám sát bộ đội, khích lệ kịp thời
Cán bộ Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9) luôn theo sát bộ đội trong mọi nhiệm vụ.

Anh cũng khen ngợi, động viên kịp thời khi chiến sĩ thực hiện đúng kỹ thuật, động tác. Mỗi ca tập, anh đi lại liên tục, đứng lên, nằm xuống hướng dẫn, kiểm tra bộ đội, hầu như không có thời gian nghỉ. Thiếu úy Văn Đức Chính tâm sự: “Ngay từ những ngày đầu huấn luyện chiến sĩ mới (CSM), tôi đã xác định thực hiện tốt “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ) với bộ đội; quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình để CSM yên tâm tư tưởng, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Với phương châm phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 14 quan tâm bồi dưỡng cán bộ khung huấn luyện. Ngoài việc tập huấn, nâng cao trình độ, phương pháp huấn luyện, đơn vị còn chú trọng bồi dưỡng thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng quản lý, giải quyết tư tưởng, nắm chắc hoàn cảnh gia đình của chiến sĩ để kịp thời chia sẻ, động viên.

Đây cũng là cách làm hay được áp dụng ở các đơn vị thuộc Trung đoàn 1. Trong giờ huấn luyện thực hành chiến thuật của Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2), Đại úy Võ Phước Trình, Đại đội trưởng và các cán bộ trong đại đội liên tục cơ động theo sát bộ đội trên bãi tập. Khi một chiến sĩ thực hiện động tác vọt tiến, do bất cẩn trong lúc vọt tiến, bị trượt chân xuống giao thông hào, Đại đội trưởng Trình lập tức hỗ trợ cầm giúp khẩu súng trung liên, rồi kéo chiến sĩ lên khỏi giao thông hào.

Binh nhất Nguyễn Công Minh, chiến sĩ Trung đội 1 (Đại đội 5), bộc bạch: “Từ lúc còn bỡ ngỡ với môi trường quân ngũ, đến nay chúng tôi đã khá tự tin trong huấn luyện, học tập. Sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo ân cần, tận tâm của cán bộ, chỉ huy đơn vị giúp chúng tôi ngày một tiến bộ, trưởng thành”.

Động viên, khích lệ - liệu pháp tinh thần hữu ích

Kết thúc buổi kiểm tra bắn súng tiểu liên AK bài 1, Thượng úy Trần Phương Tùng, Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 3) tập trung đơn vị biểu dương kết quả và động viên chiến sĩ tiếp tục phát huy trong buổi bắn đạn thật, hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra “3 tiếng nổ”. Đây là sự cụ thể hóa phương châm giáo dục CSM ở Sư đoàn 9 “bám sát bộ đội, động viên, khích lệ kịp thời”. Khích lệ, động viên ngay khi chiến sĩ thực hiện chuẩn xác một động tác huấn luyện, có kết quả cao hoặc việc làm tốt...

Theo Thượng tá Phạm Văn Hồng, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn thì không chỉ khi chiến sĩ gặp khó khăn, hay có tình huống về hoàn cảnh gia đình, cán bộ mới động viên, chia sẻ. Sư đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp trong quá trình bám nắm đơn vị phải phát hiện những cái hay, cái tốt của bộ đội dù là nhỏ nhất để động viên, khích lệ kịp thời, coi đó như một “liệu pháp tinh thần” cổ vũ chiến sĩ phấn chấn hơn, hăng hái hơn trong huấn luyện, rèn luyện, công tác.

Khẳng định trên càng thuyết phục khi chúng tôi được nghe Trung úy Vũ Tú Anh, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 1) kể về trường hợp Binh nhì Nguyễn Quyền Quý, chiến sĩ Trung đội 9 (Đại đội 11). Ngày mới nhập ngũ, qua nắm lý lịch, chỉ huy đại đội biết Quý từng là cán bộ Đoàn ở địa phương, có năng khiếu nói trước đám đông, nhưng vào đơn vị Quý không bộc lộ sở trường đó.

Áp dụng phương pháp động viên, khích lệ, Chính trị viên đại đội gặp gỡ, khơi dậy khả năng cá nhân, giao nhiệm vụ cho Quý giới thiệu về một tấm gương người tốt-việc tốt mà Quý biết. Kết quả, Quý kể rất thành công, rất thuyết phục, được cả đại đội vỗ tay tán thưởng. Từ đó, Quý trở thành “hoạt náo viên” trong các chương trình vui chơi, văn nghệ của đơn vị.

Ở các đơn vị khác, như: Trung đoàn 2, Trung đoàn 3, Tiểu đoàn 14... việc động viên, khích lệ chiến sĩ cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời, khéo léo, có tác dụng thiết thực, cổ vũ chiến sĩ vươn lên, tự tin phấn đấu. Đại tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó chính ủy Sư đoàn 9 nhấn mạnh: "Từ khi CSM về đơn vị, sư đoàn đã triển khai cho đội ngũ cán bộ các cấp rà soát, nắm hồ sơ, lý lịch của từng quân nhân, đồng thời gần gũi, sâu sát trong huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ. Kinh nghiệm cho thấy, chiến sĩ nào cũng có điểm mạnh riêng, vấn đề là cán bộ phải sâu sát thì mới nắm chắc để kịp thời khích lệ bộ đội phát huy sở trường, cống hiến xây dựng đơn vị".


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bam-sat-bo-doi-khich-le-kip-thoi-695523

  • Từ khóa