Mở ngành học mới-đừng theo kiểu chộp giật

Thứ 2, 27.06.2022 | 09:17:59
439 lượt xem

Tìm trong thông báo về việc tuyển đại học chính quy năm 2022 và dự thảo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi đều không thấy chỉ tiêu dành cho Khoa Gia đình và Công tác xã hội. Tôi gọi điện hỏi mới biết, khoa đã dừng tuyển sinh mấy năm nay.

Đây quả là điều đáng tiếc bởi Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và triển khai đào tạo chuyên ngành Quản lý nhà nước về gia đình. Khi ra đời năm 2015, Khoa Gia đình và Công tác xã hội đặt mục tiêu nghiên cứu ứng dụng gia đình học, vận dụng những tri thức cơ bản về gia đình học vào giải quyết các vấn đề do thực tiễn xã hội đặt ra. Khoa chú trọng đến gia đình học ứng dụng để làm gạch nối giữa lý thuyết với nghiên cứu thực tiễn nhằm xóa dần các khoảng cách giữa nhận thức khoa học với thực tế xây dựng đời sống gia đình, xây dựng con người Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Thế nhưng, Khoa Gia đình và Công tác xã hội phải đóng cửa đã cho thấy ngành này không có cơ hội phát huy. Điều này khiến những người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình hiện nay của nước ta đều chưa từng qua đào tạo chuyên ngành này.

Mở ngành học mới-đừng theo kiểu chộp giật
Thí sinh nghe phổ biến quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1. Ảnh:TTXVN.

Đã có thời điểm, giáo dục đại học phát triển nóng về số lượng. Chỉ tính từ năm 1998 đến 2009, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2020 đến ngày 30-7-2021, có 562 ngành đào tạo được mở mới, trong đó có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo mở. Thế nhưng nhiều trường thành lập xong không xây dựng được, cũng không có cơ sở vật chất, phải thuê ngoài, kéo theo việc không bảo đảm chất lượng đào tạo. Không ít ngành đào tạo mới mở ra liên tục trong vài năm không tuyển được người học, buộc phải “đóng cửa”. Những trường hợp như Khoa Gia đình và Công tác xã hội không phải là hiếm gặp.

Mở trường, mở ngành đào tạo giờ đây được xem như một hình thức đầu tư kinh doanh bởi yếu tố cung-cầu của người học đóng vai trò sống còn của trường. Vì thế, các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh mở trường đại học, mở ngành đào tạo, nhà đầu tư nên xem đào tạo ngành nghề gì, cho thị phần nào là phù hợp. Trước khi quyết định thành lập trường, mở ngành đào tạo, nhà đầu tư cần tính toán lâu dài tới vài chục năm sau để tạo ra những sản phẩm khác biệt, chứ không thể “bóc ngắn cắn dài”, gây lãng phí nguồn lực như thời gian vừa qua.


HIỀN VINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/mo-nganh-hoc-moi-dung-theo-kieu-chop-giat-698247

  • Từ khóa