Cấp ủy “4 dám” để khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”

Thứ 2, 04.07.2022 | 08:55:55
599 lượt xem

Thành công của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã khẳng định: 10 năm qua, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, nhưng công cuộc PCTN, tiêu cực vẫn còn rất nhiều việc phải làm và phải làm ngay. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn

Cấp ủy đảng giữ vai trò quyết định đến thắng lợi của cuộc chiến PCTN, tiêu cực từ cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương. 10 năm qua, chúng ta đã rất quen với cụm từ “trên nóng, dưới lạnh”. Tại sao “dưới lạnh”? Không thể né tránh trách nhiệm của cấp ủy các cấp. Chúng tôi xin đề xuất mô hình “cấp ủy 4 dám” để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã tồn tại bấy lâu.

Dám nhìn rõ sự thật

Sự thật là những tồn tại, hạn chế như Báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã nêu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu kết luận: “Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả...”.

Sự thật còn là tình trạng “tham nhũng vặt” đã kéo dài và hoành hành ở cơ sở nhưng chưa có “thuốc” đặc trị. “Tham nhũng vặt” rất nguy hiểm, vì nó là thứ mà người dân chứng kiến, nhìn thấy hằng ngày; nó như “ghẻ ruồi’, từng ngày, từng giờ gặm nhấm, bào mòn niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Nó tạo ra một thứ bệnh dịch nguy hiểm trong nhân dân là dù khinh ghét tham nhũng nhưng sẵn sàng chấp nhận “sống chung với lũ”, chấp nhận hối lộ “vặt” để được việc khi đến các cơ quan công quyền.

Không phải ngẫu nhiên, mà trong số các bài học quý rút ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đặt vấn đề: “Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng” và “Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN”.

Bài 1: Cấp ủy “4 dám” để khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”
Hình minh họa. 

Tham nhũng, tiêu cực là thứ “giặc” ai cũng biết nhưng không thấy. Không thấy ở đây là không có bằng chứng để phát hiện, xử lý. Thành công của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực trong 10 năm qua là dám nhìn thẳng vào sự thật, khi dám nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng các công cụ, bộ máy PCTN, tiêu cực vào cuộc thì nhất định sẽ nhìn rõ sự thật, tìm ra bằng chứng.

Có một tình trạng chung ở nhiều cấp ủy địa phương là thừa nhận tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, nhưng đó là tình trạng chung, tồn tại ở đâu đó chứ không phải trong nội bộ cấp ủy, tổ chức của mình. Vì lẽ đó mà tình trạng “dưới lạnh” vẫn tồn tại. Hy vọng rằng, với việc thành lập ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu, “ngọn lửa” sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ từ cơ sở, giúp cấp ủy từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương củng cố quyết tâm “nhìn rõ sự thật” ở cấp mình.

Dám sử dụng báo chí cấp mình

Vai trò của báo chí trong cuộc chiến PCTN, tiêu cực, từ kinh nghiệm của thế giới và thực tiễn đất nước là không cần bàn cãi. Muốn biết rõ sự thật, phải dùng báo chí. Muốn PCTN, tiêu cực thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, phải dùng báo chí. Muốn phát huy vai trò “trăm tai nghìn mắt” của nhân dân, phải dùng báo chí. Muốn dân chủ, công khai, minh bạch, phải dùng báo chí. Muốn phát hiện, bảo vệ và nhân rộng cán bộ “4 dám”, phải dùng báo chí...

Ở nước ta, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đều có cơ quan báo chí. Nhưng phát huy vai trò của báo chí vào PCTN, tiêu cực ở chính địa phương mình thì rất hạn chế. Có người cho rằng, báo địa phương “không thể, không muốn, không dám” PCTN, tiêu cực ở địa phương mình, điều đó không đúng. Bằng chứng là nhiều cơ quan báo chí địa phương đã đoạt Giải thưởng báo chí quốc gia, Giải thưởng báo chí toàn quốc về PCTN, tiêu cực với những loạt bài điều tra về tham nhũng, tiêu cực ngay tại địa phương mình. Điều đó cho thấy, điểm quyết định là cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy có dám khuyến khích, động viên báo chí cấp mình “vào cuộc” hay không?

Có người lo ngại dùng báo chí PCTN, tiêu cực là “vạch áo cho người xem lưng”. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền; làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy; chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi. Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc”(*).

Nếu mỗi cấp ủy đều yêu cầu cơ quan báo chí cấp mình có chuyên trang, chuyên mục về PCTN, tiêu cực, đầu tư thỏa đáng để cơ quan báo chí cấp mình tham gia PCTN, tiêu cực thì nhất định tình trạng “dưới lạnh” sẽ được khắc phục.

Dám đầu tư cho con người và bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trước hết là vấn đề con người. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác trong các cơ quan PCTN, tiêu cực ở địa phương, như: Kiểm tra, nội chính, công an, thanh tra... phải là những người giỏi việc. Tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, ngay cả các hành vi tham nhũng vặt hiện nay cũng “giấu mình” rất kỹ, sự cấu kết của các “nhóm lợi ích” rất chặt chẽ, khép kín; tham nhũng, tiêu cực không chỉ mang đến cho "nhóm lợi ích" giá trị về vật chất hữu hình mà còn là những giá trị phi vật chất; không chỉ diễn ra ở khu vực công mà móc nối với nhiều thủ đoạn xảo trá ở khu vực tư. Cho nên những cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan PCTN, tiêu cực phải là những người giỏi việc.

Trong tình hình hiện nay, ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào đều cần người giỏi việc; nên cần phải đề cao việc “dám đầu tư con người” vào các cơ quan PCTN, tiêu cực để công cuộc chiến đấu chống “kẻ thù hung ác” trong nội bộ đạt hiệu quả. Có thể nói, cho đến nay, thể chế PCTN, tiêu cực của nước ta, từ các chủ trương, quy định của Đảng đến các văn bản pháp luật và bộ máy PCTN, tiêu cực tương đối đầy đủ. Ở đâu có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tốt, giỏi nghiệp vụ, đặc biệt là người đứng đầu có quyết tâm PCTN, tiêu cực thì ở đó, tình trạng “dưới lạnh” được khắc phục.

Đầu tư vào con người và bộ máy PCTN, tiêu cực thì phải chăm lo xây dựng và dưỡng liêm bộ phận này. Chế độ chính sách, tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan PCTN, tiêu cực nhìn chung còn thấp so với khu vực sản xuất kinh doanh, tư nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính “cào bằng”, nếu chỉ dùng lương thì mức sống thấp, điều đó vẫn đang là bài toán khó của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ những người làm công tác PCTN, tiêu cực là những “Bao Công” của chế độ, nếu không dưỡng liêm, để họ sa vào suy thoái, vi phạm là lỗi của cấp ủy, tổ chức đảng. Và cũng chính những “Bao Công” này, nếu rơi vào suy thoái, vi phạm thì họ rất biết cách vô hiệu hóa các cơ quan PCTN, tiêu cực; việc phát hiện, điều tra, xử lý họ vô cùng khó khăn.

Vì thế, dưỡng liêm là giải pháp rất quan trọng, cần làm ngay để cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan PCTN, tiêu cực “không thể, không muốn, không dám, không cần” tham nhũng, tiêu cực. Đáng chú ý, khi bàn về chính sách dưỡng liêm, cấp ủy, chính quyền các địa phương thường cho rằng đó là việc của các cơ quan ban hành chính sách ở Trung ương. Điều đó không đúng, vì ngoài những chính sách chung do Trung ương ban hành, rất cần những chính sách “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì sự nghiệp chung” của cấp ủy địa phương.

Dân gian có câu “làm nghề nào, xào nghề ấy”. Câu nói ấy đang mặc nhiên được chấp nhận ở các công sở. Theo một số liệu thống kê được công bố trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 6-2-2022, trong giai đoạn 2013-2020, chỉ riêng trong các cơ quan thanh tra nhà nước đã xảy ra 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 3 vụ việc xảy ra ở thanh tra cấp bộ, 16 vụ việc ở thanh tra cấp tỉnh, 51 vụ việc ở thanh tra cấp huyện và cấp sở. Số liệu này chính là lời cảnh tỉnh cho cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện về sự cần thiết phải tiến hành ngay các biện pháp dưỡng liêm cho các cơ quan PCTN, tiêu cực cấp mình.

Dám “chặt chân, chặt tay” mình

Đây là một điều vô cùng khó, vô cùng đau xót. Cuộc chiến PCTN, tiêu cực ở các địa phương, không tránh khỏi việc phải xử lý theo kỷ luật, pháp luật những cán bộ trong hàng ngũ của mình. Các thế lực thù địch thường rêu rao rằng, dưới chế độ một đảng lãnh đạo, Việt Nam sẽ không thể PCTN, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tiễn 10 năm qua, với việc Đảng ta thi hành kỷ luật hơn 167.700 đảng viên; trong đó có 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đã cho thấy sức mạnh nội sinh của Đảng. Ở cấp Trung ương, Đảng ta đã khẳng định quyết tâm “chặt cành, cứu cây”, sẵn sàng xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên suy thoái, bất kể người đó ở cương vị nào, đảm nhiệm chức vụ gì.

Cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đặc biệt là bí thư cấp ủy từ cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương, cần quán triệt tinh thần “chặt cành, cứu cây” trong PCTN, tiêu cực. Hiện nay, đã xuất hiện suy nghĩ kiểm điểm, xử lý kỷ luật quá nhiều cán bộ sẽ dẫn đến thiếu cán bộ làm việc. Tâm lý “làm sẽ sai, thậm chí không làm cũng sai”, thoái chí, chùn bước trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật. Cần đánh giá kỹ thực trạng tâm lý này để có những biện pháp về tư tưởng, tổ chức phù hợp. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy phải dám vượt qua những cơn “bão” dư luận, khi bị đồn thổi sống “ác”, “cạn tàu ráo máng”, “qua cầu rút ván”... khi xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên cấp dưới. Đây là một thách thức rất lớn, nếu không dám vượt qua điều này thì không thể đánh bật những quan niệm, nhận thức lệch lạc trong cuộc chiến PCTN, tiêu cực.

Dám “chặt chân, chặt tay” của mình là thử thách lớn nhất đối với mỗi cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy. Nhưng nếu vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc, thì “4 dám” nêu ra trong bài viết này, cũng rất dễ đi vào thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn trong tất cả các tổ chức đảng ở các địa phương hiện nay.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/bai-1-cap-uy-4-dam-de-khac-phuc-tren-nong-duoi-lanh-698852

  • Từ khóa