Lại bàn về "câu chuyện muôn thuở" giá xăng

Thứ 6, 09.09.2022 | 15:06:36
1,115 lượt xem

Chuyện giá xăng dầu nói quá nhiều rồi, nói đi nói lại, nói tái nói hồi. Nhưng thực tế, gần đây có quá nhiều vấn đề đang cùng lúc xảy ra với mặt hàng nhạy cảm này.

Dưới đây là bài viết của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, không nhất thiết đồng quan điểm với Dân trí. Độc giả có thể phản biện trong phần bình luận phía dưới bài viết.

Tại kỳ điều hành ngày 5/9, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 xuống còn 23.359 đồng/lít, giá xăng RON 95 còn 24.230 đồng/lít. Tuy nhiên, giá dầu diesel tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 25.188 đồng/lít, dầu hỏa lên 25.445 đồng/lít.

Đáng chú ý, dầu diesel là nhiên liệu chính cho hoạt động vận tải, khai thác và sản xuất. Việc giá mặt hàng này đang ở mức rất cao là yếu tố bất lợi cho nhiều ngành hàng kinh tế, giảm tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tiêu dùng và người dân. Cước vận tải hàng hóa sẽ khó giảm sâu.

Giá dầu tăng cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ thủy sản của ngư dân, đặc biệt có liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hóa mà trong đó, xăng dầu chiếm đến 30-35% giá thành vận chuyển. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy như: lượng thủy hải sản đánh bắt sẽ bị giảm sút mạnh, dẫn tới giá bị đẩy lên cao so với mặt bằng giá bình quân của thời kỳ xăng dầu ở mức 20.000-22.000 đồng/lít.

Hiện nay, nguồn xăng dầu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, 30% lượng xăng dầu thành phẩm vẫn phải nhập khẩu nên giá trong nước vẫn phụ thuộc vào giá thế giới.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua cũng chỉ đáp ứng được khi giá xăng dầu tăng giảm với biên độ nhẹ. Quỹ này tỏ ra không hiệu quả khi giá thế giới có biến động lớn, có lúc gây khó khăn cho công tác bình ổn giá.

Lại bàn về câu chuyện muôn thuở giá xăng - 1

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: VGP).

Từ những khó khăn trên, rõ ràng cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn. Muốn giải quyết bài toán giá cả xăng dầu về lâu dài, cần mạnh dạn đầu tư thay quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng quỹ hiện vật. Đó là dự trữ xăng dầu với lượng dự trữ lên đến hàng triệu tấn, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng từ 3 tháng đến 6 tháng, nhằm tăng khả năng đối phó với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới.

Lượng dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay còn quá mỏng, trong khi nhiều quốc gia từ lâu đã tăng cường dự trữ các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, than… Khi nào giá các loại nhiên liệu này ở mức thấp sẽ tăng mua vào, khi nào giá cao sẽ đưa ra sử dụng để bình quân lại giá. Việc này vừa chủ động điều chỉnh được với những biến động lớn của giá xăng dầu thế giới, vừa tránh không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp.

Cũng cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để góp phần ổn định giá cả. Khi giá xăng dầu ở ngưỡng 20.000-22.000 đồng/lít, các doanh nghiệp có thể trụ vững được và nâng cao năng lực cạnh tranh và đời sống tiêu dùng của dân bớt khó khăn.

Bên cạnh đó, chu kỳ điều hành giá nên rút từ 10 ngày xuống còn 5 ngày để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Mặt khác, cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu, giảm bớt trung gian; các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu và không còn phù hợp sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng dầu có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ.

Làm được những vấn đề trên, chắc chắn sẽ từng bước giải được bài toán ổn định giá xăng dầu ở thị trường Việt Nam, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước và ổn định đời sống nhân dân.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lai-ban-ve-cau-chuyen-muon-thuo-gia-xang-20220909000556671.htm

  • Từ khóa