Bắc Sơn: Lợi ích kép từ trồng xen canh lúa nếp nương trên đất rừng trồng mới

Thứ 5, 08.12.2022 | 09:48:43
1,724 lượt xem

Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại huyện Bắc Sơn đã tận dụng diện tích đất rừng trồng mới ở những năm đầu để trồng xen canh lúa nương (giống lúa nếp nương bản địa). Qua đó, mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa hạn chế xói mòn và tạo nguồn phân hữu cơ tốt cho cây lâm nghiệp mới trồng phát triển.

Lúa nương được người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn trồng từ lâu đời. Nếu như trước đây người dân thường đốt rừng để làm nương rẫy, trồng lúa nương thì giờ đây, người dân đã ý thức được việc bảo vệ rừng và tận dụng diện tích đất rừng trồng mới để trồng xen canh.

Người dân xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn thu hoạch lúa nếp nương

Là một trong những hộ dân có thu nhập cao từ trồng lúa nếp nương xen canh rừng trồng mới trên địa bàn xã Vũ Lễ, chị Nguyễn Thị Thu, thôn Vũ Lâm cho biết: Nhận thấy diện tích đất rừng mới trồng tơi xốp, nhiều mùn tro, tháng 4/2022 (âm lịch), gia đình tôi đã gieo 100 kg hạt giống lúa nếp nương trên 3 ha diện tích rừng mỡ mới trồng. Với điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi nên cây lúa nếp nương mọc đều và phát triển tốt. Tháng 10 âm lịch vừa qua, gia đình tôi đã thu hoạch toàn bộ được 4,5 tấn thóc, bán với giá 20.000/kg, mang về thu nhập trên 80 triệu đồng. Việc trồng xen canh lúa nương trên đất rừng trồng mới vừa giúp tận dụng diện tích đất để tăng thu nhập cho gia đình, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bón phân cho cây mỡ. Thời gian tới, gia đình tiếp tục tận dụng những diện tích rừng trồng mới còn phù hợp để trồng xen canh lúa nếp nương, tăng thêm thu nhập.

Cũng giống như gia đình chị Thu, vài năm gần đây, nhiều hộ dân xã Vũ Lễ cũng tận dụng diện tích đất rừng trồng mới để trồng xen canh lúa nếp nương. Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn xã trồng được 20 ha lúa nương; trồng chủ yếu tại các thôn: Quang Tiến, Thống Nhất, Vũ Lâm… Nhờ trồng xen canh lúa nương, nhiều gia đình vừa có thêm thu nhập, vừa bảo vệ và chăm sóc tốt cho cây lâm nghiệp mới trồng.

Nhận thấy việc trồng xen canh lúa nếp nương trên đất rừng trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, vài năm gần đây, người dân tại xã Đồng Ý cũng tận dụng diện tích đất để trồng xen canh. Ông Hoàng Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ý cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn cũng trồng lúa nếp nương nhưng trồng với diện tích nhỏ, chỉ phục vụ nhu cầu gia đình. Từ năm 2018 đến nay, lúa nếp nương được nhiều người tìm mua vì độ thơm, ngon nên người dân đã mở rộng diện tích trồng. Trung bình mỗi năm, toàn xã trồng được 10 ha lúa nếp nương xen canh rừng trồng mới. Qua đó, vừa góp phần tạo điều kiện chăm sóc cây lâm nghiệp phát triển, vừa tăng thu nhập cho người dân.

Được biết, khoảng 4 đến 5 năm trở lại đây, nhận thấy việc trồng xen canh cây lúa nương trên đất rừng mới trồng mang lại nhiều lợi ích như: vừa tận dụng được diện tích đất “lấy ngắn nuôi dài”, tăng thu nhập cho gia đình, vừa hạn chế được xói mòn, cỏ cây dại mọc và đồng thời, tạo nguồn phân hữu cơ tốt cho cây lâm nghiệp mới trồng phát triển nên nhiều hộ dân đã tiến hành trồng xen canh. Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng được từ 50 đến 60 ha lúa nếp nương xen canh. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện trồng được khoảng 70 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Thành, Vũ Lễ, Tân Tri, Đồng Ý, Vạn Thủy…

Theo các hộ, lúa nếp nương được trồng từ tháng 4, đến khoảng tháng 10 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 ha lúa nếp nương sẽ cho thu hoạch từ 1,5 đến 1,8 tấn thóc, bán với giá 20.000 đến 25.000 đồng/kg thóc, khoảng 30.000 đến 35.000/kg gạo nếp nương (cao hơn từ 5.000 đến 10.000/kg so với gạo nếp thường). Do trồng trên đồi cao, cách biệt, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết tự nhiên nên lúa ít sâu bệnh, hạt gạo dẻo và thơm ngon hơn những loại gạo nếp khác nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm mua. Nhờ đó, mang lại cho các hộ dân thêm nguồn thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Ông Dương Công Tuyển, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Sơn cho biết: Thay vì đốt phá rừng trồng lúa nương như ngày xưa, những năm gần đây, người dân tại một số xã trên địa bàn huyện đã tận dụng diện tích đất rừng trồng mới để trồng xen canh lúa nếp nương. Việc trồng xen canh này không những góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn hạn chế được xói mòn, tạo nguồn phân hữu cơ (do rơm rạ phân hủy) tốt cho cây lâm nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trên một diện tích đất rừng, người dân chỉ tận dụng trồng xen canh lúa nếp nương từ 1 đến 2 năm đầu (tùy loại cây lâm nghiệp). Từ năm thứ 3 trở đi, người dân cần tập trung phát dọn thực bì, chăm sóc, bón phân để cây lâm nghiệp phát triển.

Có thể thấy, việc người dân “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh lúa nếp nương trên đất rừng trồng mới đã mang lại nhiều lợi ích. Qua đó, người dân có điều kiện mở rộng, phát triển kinh tế đồi rừng và phát triển rừng gỗ lớn, cho hiệu quả kinh tế cao.


LIỄU CHANG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/545885-bac-son-loi-ich-kep-tu-trong-xen-canh-lua-nep-nuong-tren-dat-rung-trong-moi.html


  • Từ khóa