SGK Tiếng Việt lớp 1 có "sạn", trách nhiệm của Hội đồng thẩm định ở đâu?

Thứ 4, 14.10.2020 | 08:51:38
627 lượt xem

Mỗi bộ sách giáo khoa trước khi đưa vào giảng dạy đều phải trải qua quá trình thẩm định cũng như dạy thực nghiệm. Nhưng ngay tháng đầu tiên của năm học mới, SGK Tiếng Việt lớp 1 đã bị đánh giá là có “sạn’, chương trình quá nặng.

Những ngày gần đây, nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung sách có những chỗ chưa phù hợp trong sử dụng từ ngữ, thiếu tính giáo dục, hay quá tải với cả học sinh và giáo viên.

Hội đồng thẩm định đã biết trước những “sạn” của SGK?

Trước những thông tin phản ánh của dư luận, GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết, Hội đồng đã làm việc một cách cẩn trọng, nghiêm túc, đồng thời đã đề cập đến những “hạt sạn” mà dư luận phản ánh những ngày gần đây trong khi thẩm định sách.

GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1. Ảnh: KT

GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1. Ảnh: KT

“Chúng tôi biết, tuy nhiên, tất cả những gì sai, buộc các tác giả phải sửa. Hội đồng thẩm định đã góp ý và các tác giả cũng rất cảm ơn hội đồng đã giúp đỡ các chủ biên cũng như tác giả hoàn thành, sửa chữa tốt cuốn sách do bản thảo lúc đầu và bản thảo hội đồng góp ý về sau đã tốt hơn rất nhiều. Hội đồng thẩm định làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng. Khẳng định tất cả các bộ sách Tiếng Việt lớp 1 đã thẩm định không có gì sai”, GS Mai Ngọc Chừ nói.

Theo GS Mai Ngọc Chừ, tất cả những lỗi sai đều đã được Hội đồng thẩm định chỉ ra và giải quyết. Còn khi đánh giá, sách giáo khoa có mức độ phù hợp, phù hợp cao, phù hợp trung bình và nếu không phù hợp sẽ bị loại.

“Những truyện như cua cò và đàn cá, 2 con ngựa... Hội đồng cũng đã khuyến cáo nhóm tác giả thay bằng ngữ liệu khác. Như vậy có nghĩa, Hội đồng đã có khuyến cáo, đã có biên bản và chỉnh sửa, tuy nhiên  quan niệm của mỗi người có thể khác nhau.

Có người cho rằng những nội dung này dạy trẻ em lừa lọc, nhưng quan điểm của nhóm tác giả nói rằng dạy trẻ biết những người lừa lọc hay lười biếng sẽ phải trả giá. Giáo viên khi dạy sẽ rút ra bài học, dạy các em sống chân thật, chăm chỉ. Những gì sai, Hội đồng đã yêu cầu sửa, nhưng cũng có những cái phù hợp và hội đồng cũng phải tôn trọng ý kiến của nhóm tác giả. Hội đồng đã chỉ ra, khuyến cáo, nhưng ở những lần sau, nhóm tác giả vẫn kiên quyết giữ quan điểm”, GS Chừ cho biết.

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũng cho rằng, chủ biên và nhóm tác giả sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuốn sách. Khi tác giả bảo vệ quan điểm của mình, đồng nghĩa với việc sẽ phải chịu trách nhiệm với việc đó.

“Tổng chủ biên và nhóm tác giả rất có thiện chí và lắng nghe, những gì chưa phù hợp sẽ phải sửa”, GS Chừ nói.

Cần nhiệm vụ giải trình của Hội đồng thẩm định

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng, thẩm định sách giáo khoa có phần khác với thẩm định một công trình khoa học theo nghĩa cần thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, chặt chẽ hơn, nên không thể nói chỗ nào phù hợp ít, phù hợp nhiều hay phù hay không phù hợp, mà cần đảm bảo tính chính xác, khách quan. 

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo.

TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo.

“Những nội dung không được phải dẹp bỏ, khi đã yêu cầu sửa là phải sửa, nếu không sửa sẽ không thông qua thẩm định. Nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm giải trình, nhưng cũng rất cần trách nhiệm giải trình của từng thành viên trong Hội đồng thẩm định, bởi khi được giao quyền, đi liền với trách nhiệm”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Được biết, quá trình dạy thử nghiệm sách giáo khoa mới do chính nhóm tác giả và các nhà xuất bản chịu trách nhiệm tổ chức. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, việc tổ chức thử nghiệm lấy mẫu chưa đủ lớn, sau khi dạy xong nếu chỉ có đánh giá giáo viên theo kiểu định tính mà chưa có đánh giá khả năng tiếp thu bài của học sinh sau những tiết giảng thử chương trình theo SGK là thiếu sót, rất không chuyên nghiệp. 

“Đáng ra phải làm những bài kiểm tra ngay sau các buổi dạy thử để biết học sinh tiếp thu đến đâu. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong thử nghiệm chương trình và sách giáo khoa. Qúa trình thực nghiệm không thể chỉ làm gọn nhẹ ở một vài nơi. Mỗi vùng miền khác nhau, điều kiện thực hiện chương trình khác nhau về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, về quy mô mỗi lớp học...khác nhau, việc tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy cũng sẽ khác nhau để đạt được chuẩn đầu ra mong muốn. Ví dụ, 1 lớp có 50-60 học sinh, giáo viên không thể kèm từng em như lớp có 30-35 em. Chưa kể chuyện bồi dưỡng giáo viên thực hiện theo kiểu tập trung cả trăm thầy cô để bồi dưỡng, kỹ năng dạy học mới theo chương trình học viên chưa kịp hình thành sau đó chuyển về các địa phương tập huấn lại cho các trường khó tránh khỏi " tam sao thất bản”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

Không thể đợi hết năm học mới đánh giá

TS Hoàng Ngọc Vinh cho biết, trong đánh giá sách giáo khoa được chia làm 3 pha, gồm đánh giá trước khi đưa vào sử dụng, nhằm biết được những lợi ích, tiềm năng cũng như đảm bảo tính chính xác, tin cậy, phù hợp với chương trình.

Thứ 2 là đánh giá trong quá trình sử dụng. Thứ 3 là đánh giá sau khi đưa vào thực hiện 1 năm.
Do đó, chuyên gia giáo dục này cho rằng, Bộ không thể đợi đến hết năm học mới đánh giá về cuốn sách.

“Nhóm tác giả và Chủ biên sách Tiếng việt 1 là GS Nguyễn Minh Thuyết rất tâm huyết. Nhưng không thể tránh khỏi có những hạt sạn. Những gì tốt cần tiếp thu, những gì chưa được cần chỉnh sửa khẩn trương. Bên cạnh đó cần tăng cường bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên, quay các clip hướng dẫn giáo viên trên toàn quốc để tiện học hỏi. Ngoài ra cũng cần có nghiên cứu đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh, đây mới là đối tượng quan trọng nhất, không nên chỉ đánh giá định tính giáo viên”, TS Hoàng Ngọc Vinh khuyến cáo.

Thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cũng cho rằng, cần có một hội đồng thẩm định độc lập bao gồm các chuyên gia về phát triển chương trình, am hiểu tâm lý trẻ em, lứa tuổi và từng trải nghiệm dạy học ở bậc tiểu học để đánh giá lại sách giáo khoa lớp 1. Nếu các cuốn sách giáo khoa khác chưa làm thử nghiệm tốt cũng rất cần có nghiên cứu đánh giá và đưa lên mạng Internet cho xã hội biết và chia sẻ ý kiến như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo.

“Hội đồng thẩm định độc lập phải là những người có trình độ, nói thẳng, hiểu biết, độc lập và không chịu bất cứ sức ép nào. Bộ GD-ĐT phải đứng ra tổ chức, chiêu mộ nhân tài để làm những việc này. Mọi việc cần công khai, tiếp thu ý kiến từ dư luận”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến.

Hiện Bộ GD-ĐT đang tiếp tục thẩm định sách giáo khoa lớp 2, từ thực tế những vấn đề của sách giáo khoa lớp 1 đang gặp phải, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, khi tiến hành thẩm định sách mới, Bộ cần quy định rõ năng lực, trách nhiệm giải trình của những người trong Hội đồng thẩm định. "Bộ cũng cần vào cuộc, đứng ra tổ chức, chỉ đạo quá trình thực nghiệm từng bộ sách. Quá trình tập huấn giáo viên cũng cần có hướng dẫn đầy đủ, “tránh kiểu tập huấn tập trung cả trăm giáo viên chỉ để cho xong kế hoạch, mà các giáo viên dự tập huấn chưa kịp nâng cao kỹ năng thực hiện chương trình”.

TS Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng, từ bài học kinh nghiệm của SGK lớp 1, cần phân định rõ trách nhiệm của Bộ, Sở GD-ĐT các địa phương trong quá trình thực nghiệm sách, để tránh những “hạt sạn” đáng tiếc./.


Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/sgk-tieng-viet-lop-1-co-san-trach-nhiem-cua-hoi-dong-tham-dinh-o-dau-785875.vov

  • Từ khóa