Hiệu quả cao trong đào tạo sinh viên sư phạm nhờ ứng dụng CNTT

Thứ 6, 20.05.2022 | 14:57:33
603 lượt xem

Thông qua quá trình hỗ trợ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của giảng viên sư phạm được nâng lên, khiến hiệu quả đào tạo sinh viên sư phạm cũng có nhiều chuyển biến.


Hiệu quả cao trong đào tạo sinh viên sư phạm nhờ ứng dụng công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Tọa đàm "Ứng dụng CNTT để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" 

Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 20/5, Ban Quản lý Chương trình ETEP (chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm "Ứng dụng CNTT để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục".

Hiện nay, đã có hơn 30.000 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng, đạt hơn 105% so với mục tiêu. Đáng chú ý, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng, trong đó 96% số người học bày tỏ sự hài lòng.

Từ Chương trình ETEP, lần đầu tiên các giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục tham gia bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên phổ thông. 

Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình ETEP đã nâng cao năng lực và thay đổi tư duy của đội ngũ giảng viên chủ chốt và các trường ĐH sư phạm trong việc phát triển tài liệu bồi dưỡng thường xuyên theo định hướng phát triển năng lực và điều phối việc cung cấp các chương trình bồi dưỡng thường xuyên trên quy mô quốc gia với nhiều bên liên quan tham gia.

Năng lực của đội ngũ giảng viên sư phạm được nâng cao rõ rệt

Các ý kiến tại toạ đàm đều khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp giáo viên phổ thông và giảng viên sư phạm nâng cao năng lực nghề nghiệp bền vững. Việc ứng dụng CNTT đã trở thành nhu cầu thiết yếu, thành thói quen của nhiều nhà giáo nhằm khai thác hiệu quả học liệu để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.

Năng lực của đội ngũ giảng viên sư phạm được nâng cao rõ rệt, không chỉ trong bồi dưỡng giáo viên, mà cả trong đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, với thực tiễn nhà trường. Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng; năng lực tổ chức bồi dưỡng giáo viên của giảng viên đã được nâng cao.

Với mô hình bồi dưỡng mới, các giảng viên sư phạm, quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng đội ngũ cốt cán cũng như hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp trên Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), đồng thời hỗ trợ giáo viên trực tuyến qua email, zalo. 

Đặc biệt trong những đợt dịch COVID-19 hai năm qua, các giảng viên sư phạm tham gia vào việc biên soạn, chuẩn bị các bài giảng có ứng dụng CNTT và tổ chức các lớp bồi dưỡng đội ngũ cốt cán trực tuyến qua lớp học ảo. Vì thế, năng lực ứng dụng CNTT trong nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên được tăng cường. 

Giảng viên có thêm nhiều kĩ năng để tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên, cũng như kĩ năng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên theo hình thức trực tiếp qua lớp học ảo. Nhờ đó, các hoạt động hỗ trợ người học được tổ chức thường xuyên liên tục, linh hoạt. Điều này có tác động tích cực và lâu dài đối với tiến trình đào tạo giáo viên, cũng như công tác hỗ trợ, bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: "Các giảng viên Trường Đại học Vinh tham gia Chương trình ETEP đã tích lũy được nhiều năng lực, như năng lực nhận biết về bối cảnh, giúp hiểu sâu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năng lực triển khai các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá các hoạt động dạy mạch lạc, năng lực CNTT thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS). 

Nhờ hệ thống LMS, các sở GD&ĐT, đơn vị cung ứng internet, hoạt động hỗ trợ giáo viên phát triển nghề nghiệp đã vận hành đồng bộ và liên kết được với từng giáo viên ở vùng sâu xa. Hơn thế, việc sử dụng hệ thống LMS đã giúp giáo viên và giảng viên sư phạm nhìn từ hai phía người dạy và người tham gia học tập… Từ đó, giảng viên sư phạm tăng cường năng lực gắn kết, thể hiện vai trò dẫn dắt Chương trình giáo dục phổ thông 2018".

TS. Lê Quang Vượng, giảng viên Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Trước đây học viên đã tiếp cận CNTT cơ bản, nhưng sau khi tham gia Chường trình ETEP thì được tiếp cận một cách bài bản và hiệu quả, nhất là việc khai thác ứng dụng CNTT trong dạy học. Giảng viên sư phạm tham gia ETEP ở các vai trò khác nhau, là người biên soạn tài liệu, hay là giảng viên chủ chốt… thì tất cả đều được cải thiện về năng lực CNTT. Kỹ năng sử dụng CNTT của giảng viên nhà trường trong các hoạt động giảng dạy có những thay đổi rất lớn".


Nhật Nam/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/hieu-qua-cao-trong-dao-tao-sinh-vien-su-pham-nho-ung-dung-cntt-102220520131302849.htm


  • Từ khóa