Phân định trách nhiệm trong xây dựng, quản lý đề thi trung học phổ thông

Thứ 3, 28.06.2022 | 08:21:31
601 lượt xem

Còn hơn một tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ diễn ra (ngày 7 và 8/7). Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và cơ sở giáo dục đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, phối hợp, sẵn sàng tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THPT Văn Lãng (huyện Văn Lãng). (Ảnh: TTXVN) 

Để kỳ thi diễn ra an toàn, đáp ứng yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương, các cơ sở giáo dục đã tăng cường các công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhất là công tác ra đề thi và thanh tra, kiểm tra kỳ thi.

Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất

Đến thời điểm này, khoảng 160 trường học tại thành phố Hồ Chí Minh  được chọn làm điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã chuẩn bị sẵn sàng. Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 85.700 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do là 3.560 em. Mỗi quận, huyện bố trí từ một đến ba điểm thi dự phòng và mỗi điểm thi có từ ba phòng dự phòng để xử lý các trường hợp bất thường. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh huy động hơn 12.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi và hơn 1.700 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi. Theo Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Võ Thiện Cang, Sở đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Các địa điểm sao in đề thi, lưu trữ bài thi, thiết bị camera giám sát, tập huấn công tác coi thi... được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch phối hợp các sở, ngành liên quan như: Công an, Y tế, các đơn vị liên quan để hỗ trợ và phục vụ kỳ thi. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điều động gần 13.500 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi; gần 600 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ thanh tra công tác coi thi. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, để bảo đảm khách quan trong khâu coi thi, thí sinh trong một quận, huyện, thị xã được bố trí thành một cụm thi; cán bộ coi thi không được coi thi học sinh của trường mình; trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng một đơn vị, mỗi phòng thi có hai cán bộ coi thi ở hai trường phổ thông khác nhau. Thành phố cũng đã xây dựng phương án dự phòng để chủ động ứng phó với dịch Covid-19 và các tình huống phát sinh. Tại mỗi cụm thi đều bố trí hai điểm thi dự phòng; mỗi điểm thi có hai phòng thi dự phòng. 

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa, địa phương có 37 điểm thi. Hội đồng thi tổ chức in sao đề thi, đóng túi niêm phong. Thời gian tổ chức in sao đề thi sẽ được thực hiện từ ngày nhận đề thi gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến ngày 4/7. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các điểm thi và địa điểm đặt ban chấm thi được triển khai đúng quy định; bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lạng Giang số 1 (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, trường đã chuẩn bị tủ đựng đề thi, bài thi; các loại biên bản cho công tác coi thi; điện thoại cố định có loa ngoài tại phòng làm việc của điểm thi; camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động... 

Điểm mới của kỳ thi năm nay là các hội đồng thi bố trí nơi bảo quản vật dụng của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25 mét, tuy nhiên một số địa phương khó khăn trong thực hiện quy định này. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục đã có đợt tập dượt quy định nêu trên khi áp dụng tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua. Vì vậy, công tác này sẽ diễn ra thuận lợi tại các điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới. Còn ngành giáo dục thành phố Hà Nội lại cho rằng, nhiều điểm thi không đủ diện tích và điều kiện triển khai. Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Hà Nội chủ động có phương án thực hiện để bảo đảm an toàn nhất và tránh gây khó khăn cho thí sinh.

Phân định rõ trách nhiệm

Cơ bản kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 giữ ổn định như năm 2021. Đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, phụ trách các vấn đề chung về chính sách, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi… Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi của địa phương.

Trong nhiều công việc chuẩn bị, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi có vai trò quan trọng trong kỳ thi. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi được thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý như: biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi. Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.

Nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, việc chuẩn bị cho công tác thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương lên kế hoạch kỹ càng. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, bên cạnh việc bảo đảm các yếu tố bảo mật đề thi, bài thi tại nơi in sao, ngành giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ cán bộ giám sát, coi thi, chấm thi, thanh tra tại 30 điểm thi. Từ ngày 25/6 đến 5/7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật coi thi, giám sát thi, thanh tra thi, chấm thi trắc nghiệm cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia.

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra thi năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021 nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây đều có sự tham gia của các lực lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương phối hợp lực lượng này để tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra theo hướng: Phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, mục tiêu, phương pháp, trách nhiệm của từng đơn vị trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Sự phối hợp này đã phát huy hiệu quả đáng kể, tránh chồng chéo, tận dụng tối đa nguồn lực chuyên môn.

Nghiêm túc, an toàn, chất lượng là mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 hướng đến. Mục đích của kỳ thi nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh. Với tính chất quan trọng đó của kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành giáo dục và các địa phương để bảo đảm mục tiêu đã đề ra.

Phân định trách nhiệm trong xây dựng,  quản lý đề thi trung học phổ thông -0

Ôn tập cho học sinh lớp 12 tại Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông số 2 (tỉnh Nghệ An). (Ảnh: MỸ HÀ) 


Quý Tùng - Anh Đào - Cao Tần/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/phan-dinh-trach-nhiem-trong-xay-dung-quan-ly-de-thi-trung-hoc-pho-thong-702976/

  • Từ khóa