Người thứ 10 nhập viện Chợ Rẫy do ngộ độc sau ăn pate Minh Chay

Chủ nhật, 13.09.2020 | 11:09:39
611 lượt xem

Ngày 12/9, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp nhận bệnh nhân thứ 10 ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, cho hay, bệnh nhân nữ, 35 tuổi, suốt một tháng qua điều trị yếu liệt cơ tại khoa Nội thần kinh, một bệnh viện tuyến tỉnh. Đến nay bệnh viện tỉnh đánh giá các bất thường ở bệnh nhân không liên quan đến bệnh lý thần kinh, bệnh không thuyên giảm. Bệnh viện nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân quê Bà Rịa - Vũng Tàu, ăn pate Minh Chay ngày 22/7 cùng với gia đình tại Thanh Hóa. Ngày 24/7, bệnh nhân khởi phát mệt, chi yếu, nhập bệnh viện Thanh Hóa ngày 26/7. Ngày 29/7, chị chuyển đến Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội. Bệnh nhân suy hô hấp cấp được đặt nội khí quản, thở máy, thay huyết tương bốn lần. Tình trạng yếu liệt không cải thiện, bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiến hành điều tra bệnh sử, đánh giá và hội chẩn chuyên môn, xác định bệnh nhân ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay. Hiện nhà bệnh nhân còn hai hũ pate Minh Chay, một hũ còn nguyên, một hũ đã vơi phân nửa.

Sau điều trị tại Chợ Rẫy, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, vẫn phải thở máy, sức cơ hai tay cải thiện đạt 4/5, hai chân đạt 3/5, chuyển về Bệnh viện Bà Rịa điều trị tiếp.

Như vậy, đây là bệnh nhân thứ 10 ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ca thứ 16 cả nước, tính từ ngày 29/8 đến nay.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nhận định, bệnh nhân phải thở máy thêm vài tháng nữa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nhận định, bệnh nhân phải thở máy thêm vài tháng nữa. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Theo bác sĩ Hùng, ông công tác hơn 30 năm trong ngành, đến nay mới tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc botulinum. Trước đó chỉ có thể tìm hiểu trên y văn. Triệu chứng bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảnh khác như nhược cơ, nhiễm trùng... phải dùng nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại mới tìm ra vi khuẩn gây bệnh. Do đó, bác sĩ không ngạc nhiên khi các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nhầm.

Hiện, các bệnh nhân không nguy hiểm tính mạng nhưng cần thời gian thở máy đến vài tháng, quá trình hồi phục tương đối khó khăn. Thuốc giải độc botulinum phải mua từ nước ngoài với giá rất đắt, 16.000 USD một lọ.

Hiện 10 lọ thuốc giải độc botulinum được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ từ Thụy Sĩ đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Các chuyên gia đang hội chẩn, đánh giá trường hợp nào cần sử dụng thuốc giải độc. Nguyên nhân là thuốc chỉ có tác dụng tốt nhất trong tuần đầu tiên nhiễm độc. Trong khi đó, số lượng thuốc giải không nhiều, bệnh viện cần dự trù để điều trị cho trường hợp ngộ độc mới.

Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra từ vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum. Đến nay, Việt Nam ghi nhận 16 bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng, phải nhập viện. Bệnh nhân chủ yếu từ khu vực Quảng Nam trở vào. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ngộ độc là do ăn pate Minh Chay, sản xuất bởi công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới có trụ sở tại Hà Nội. Sản phẩm chỉ bán online. Ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum khiến người ăn ngộ độc.


Thư Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nguoi-thu-10-nhap-vien-cho-ray-do-ngo-doc-sau-an-pate-minh-chay-4160785.html

  • Từ khóa