Gìn giữ, phát huy giá trị di tích khảo cổ học vùng đất Xứ Lạng

Thứ 3, 23.11.2021 | 14:31:59
637 lượt xem

Xứ Lạng là vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc ẩn chứa nhiều giá trị khảo cổ quý giá về lịch sử dân tộc. Để gìn giữ giá trị đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học (DTKCH) – nguồn tài nguyên, di sản văn hóa (DSVH) quý giá để phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.



Học sinh thành phố Lạng Sơn tham quan hiện vật tại Bảo tàng tỉnh

Đa dạng hình thức bảo tồn

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn tỉnh hiện có 335 di tích, thuộc 4 loại hình: kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học, lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 38  DTKCH các nền văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha, tiêu biểu như: linh địa cổ Mẫu Sơn (Lộc Bình), hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)…

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các  DTKCH trên địa bàn tỉnh đã được ngành cũng như các nhà nghiên cứu từ trung ương đến địa phương quan tâm. Ngành VHTTDL đã triển khai nhiều biện pháp gìn giữ, bảo tồn như: khoanh vùng bảo vệ, cắm biển chỉ dẫn (ghi rõ tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật, kinh độ, vĩ độ của hố khai quật) ở nơi thuận tiện cho người tham quan dễ đọc, dễ quan sát…

Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) huyện Hữu Lũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác khoanh vùng bảo vệ di tích nói chung và DTKCH nói riêng. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Hữu Lũng cho biết: Từ cuối năm 2017, Phòng VH-TT đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đo đạc các di tích đã được xếp hạng để khoanh vùng bảo vệ. Cùng với đó, chúng tôi đã phối hợp với ban quản lý di tích cấp xã tuyên truyền về Luật Di sản đến Nhân dân để người dân cùng nâng cao trách nhiệm, bảo vệ di tích trên địa bàn. Đến nay, 6/6 DTKCH trên địa bàn huyện đã được khoanh vùng bảo vệ và được cắm biển chỉ dẫn theo quy định.

Được biết, cùng với 6 DTKCH trên địa bàn huyện Hữu Lũng, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 29 DTKCH đã được khoanh vùng bảo vệ, 27 di tích được cắm biển chỉ dẫn.

Ngoài khoanh vùng bảo vệ và cắm biển chỉ dẫn, sau khi được khai quật, một số DTKCH trên địa bàn sẽ được lấp cát bảo tồn. Biện pháp này được tiến hành ở một số hố đào thăm dò, nơi phát hiện các hiện vật có giá trị (lấp cát thay vì đất nguyên thổ) để bảo tồn hiện vật và phục vụ các chương trình nghiên cứu tiếp theo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 DTKCH được lấp đất bảo tồn, gồm: hang Cổ Sinh (Tràng Định) và hang Pác Đây (Văn Lãng).

Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tràng Định cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 3 DTKCH. Từ năm 2017 đến nay, phòng đã tiến hành khoanh vùng bảo vệ và cắm biển cả 3 di tích. Đặc biệt, sau khi khai quật di tích hang Cốc Mười (còn gọi là hang Bãi Đá) ở thôn Lũng Phầy, xã Chí Minh (năm 2013), các chuyên gia khảo cổ học trong và ngoài nước đã xác định đây là một trong những địa điểm khảo cổ có giá trị. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, đoàn khảo cổ chưa thể khai quật trọn vẹn nên đã tiến hành lấp cát bảo tồn để phục vụ các chương trình nghiên cứu tiếp theo.


Các chuyên gia khảo cổ học nghiên cứu hiện vật tại Bảo tàng tỉnh

Chủ động nghiên cứu, phát huy giá trị

Thực hiện chức năng tổ chức nghiên cứu khoa học về DSVH, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các hiện vật về có giá trị tiêu biểu của địa phương, Bảo tàng tỉnh đã chủ động phối hợp khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu đăng ký, lập hồ sơ lý lịch, lập sổ theo dõi, bản thống kê di vật, hiện vật, bảo quản định kỳ hiện vật, cổ vật…

Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để phát huy giá trị các DTKCH trên địa bàn, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh đã chủ động phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam… tổ chức khảo sát, thám sát, khai quật khảo cổ, nghiên cứu nhằm làm rõ tiến trình phát triển của loại hình DTKCH trên địa bàn. Từ đó khẳng định giá trị của các DTKCH, góp phần bổ sung nhận thức mới trong việc nghiên cứu, trưng bày và giảng dạy về lịch sử địa phương nói riêng cũng như nhận thức mới về khảo cổ học tiền – sơ sử Việt Nam nói chung.

Theo đó, từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp triển khai được gần 20 cuộc khảo sát, thám sát, khai quật ở các DTKCH trên vùng đất Xứ Lạng. Gần đây nhất, từ ngày 30/10 đến ngày 5/11/2021, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học, UBND huyện Bắc Sơn tiến hành khai quật khảo cổ tại di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn). Trong quá trình khai quật, đoàn đã phát hiện mộ táng của trẻ em được mai táng trong tư thế nằm co bó gối, được xác định niên đại tuyệt đối khoảng 11.000 năm cách ngày nay. Những tư liệu mới này dần hé mở những bằng chứng khách quan để truy vết mối quan hệ nguồn gốc của văn hóa Bắc Sơn với kỹ nghệ Ngườm ở thung lũng Thần Sa (Võ Nhai, Thái Nguyên).

Những hiện vật thu được từ quá trình khai quật, sau khi chỉnh lý, xây dựng hồ sơ, báo cáo khoa học, có kết quả thẩm định chính thức sẽ được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, bảo quản và trưng bày, phát huy giá trị.

Em Nguyễn Thảo Phương, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Qua những chuyến tham quan bảo tàng tỉnh, em nhận thấy DTKCH không đơn thuần là những hiện vật mà là những “chứng tích lịch sử” nối liền giá trị quá khứ với hiện tại. Thông qua những hiện vật đó, em và các bạn có thể hiểu được một phần quan trọng về bề dày lịch sử dân tộc.

Công tác bảo quản các tài liệu, hiện vật trên đai trưng bày và trong kho được bảo quản theo đúng quy định. 100% tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ theo quy định của Bộ VHTTDL. Qua đó đã tích cực góp phần vào việc theo dõi, ổn định môi trường kho, ngăn chặn những tác động xấu của vi sinh vật có hại cho hiện vật, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những hiện vật cần được bảo quản cấp thiết, đảm bảo an toàn kho và hiện vật bảo tàng.

Với những biện pháp thiết thực đó, đến nay, toàn tỉnh có 9 DTKCH được xếp hạng Quốc gia, 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Theo số liệu tổng hợp, trong 10 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã bổ sung gần 10.000 hiện vật, nâng tổng số đơn vị tài liệu, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ, bảo quản lên hơn 74.000 đơn vị, trong đó có khoảng 30% hiện vật khảo cổ.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy DSVH làm nền tảng, động lực để phát triển, Sở VHTTDL đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021). Đề án nêu rõ các giải pháp bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị đối với các DTKCH. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về văn hóa khảo cổ, về các di tích tiền – sơ sử tại Lạng Sơn; mở rộng hợp tác giữa các bảo tàng tỉnh, trung ương và các tổ chức quốc tế; tiếp tục điều tra, khảo sát, thăm dò thám sát và trưng bày tại chỗ kết quả của các cuộc khai quật; động viên, khen thưởng kịp thời những người dân có ý thức phát hiện, bảo vệ DSVH cũng như nghiên cứu xử lý những ai cố tình xâm phạm, phá hủy di tích…

Thực tế trên cho thấy, những nỗ lực của ngành VHTTDL nói riêng, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị khảo cổ – nguồn tài nguyên, DSVH quý giá phục vụ phát triển du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của Nhân dân trong và ngoài tỉnh.


“Qua những chuyến khảo sát cũng như khai quật tại Lạng Sơn, tôi nhận thấy giá trị các DTKCH của  Lạng Sơn vô cùng độc đáo. Đây là các di tích đại diện cho nền văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha – một trong những nút thắt, là điểm nhấn để truy vết được các vấn đề về kỹ nghệ Ngườm ở Việt Nam (kỹ nghệ Ngườm thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ là một trong những trục xương sống quan trọng nhất của ngành khảo cổ đá ở miền Bắc Việt Nam).

Để phát huy giá trị DTKCH tương xứng với tiềm năng, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu cũng như liên kết với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ tiến hành khảo sát lại các DTKCH trên địa bàn tỉnh để nắm được trữ lượng, giá trị hiện vật, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và ngành VHTTDL cần tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục một cách toàn diện về giá trị của DSVH, DTKCH, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư tại các khu vực di tích khảo cổ để người dân cộng đồng trách nhiệm, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các DSVH vật thể, trong đó có các DTKCH. Điều này càng trở nên quan trong trong bối cảnh Lạng Sơn tiến hành xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu”.

Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn,

Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)


NGỌC HIẾU – TUYẾT MAI/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/463485-gin-giu-phat-huy-gia-tri-di-tich-khao-co-hoc-vung-dat-xu-lang.html

  • Từ khóa