Học trực tuyến: Cần hơn nữa sự trợ giúp cho học sinh nghèo

Thứ 2, 20.12.2021 | 14:48:32
933 lượt xem

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, nhiều giáo viên, học sinh phải dạy và học trực tuyến. Đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh sống tại vùng sâu, vùng xa thì việc học này có nhiều trở ngại vì thiếu thiết bị công nghệ thông tin (CNTT), sóng 3G, 4G yếu…

Máy thiếu – sóng yếu

Để học trực tuyến, 2 yếu tố cần thiết là đường truyền mạng và thiết bị (điện thoại thông minh, laptop, máy tính, máy tính bảng). Tuy nhiên, với không ít học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, việc sở hữu thiết bị trực tuyến là rất khó khăn. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến ngày 13/12/2021, toàn tỉnh có trên 32.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến (18.837 học sinh tiểu học, 5.880 học sinh THCS, 7.138 liên cấp và 719 học sinh THPT). Hầu hết những học sinh này đều là con gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ mồ côi…

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh trao tặng máy tính bảng cho em Bùi Kiều Trang, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Anh Hà Văn Thuận, thôn Lũng Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Tôi có 2 con đang học Trường Tiểu học và THCS xã. Từ khi có dịch COVID-19 đến nay, trường học con tôi đã triển khai 3 đợt dạy và học trực tuyến. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi chưa mua được máy tính, điện thoại cho con nên con tôi không tham gia được việc học trực tuyến. Mỗi khi cô giáo chủ nhiệm thông báo các nội dung hoặc giao bài trên nhóm zalo của lớp hoặc tổ chức học trực tuyến thì con tôi không có thiết bị nên không theo dõi và học được, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.

Cùng với thiếu máy, tình trạng sóng yếu còn xảy ra ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm”, là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của học sinh. Theo tổng hợp từ Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có trên 295/1.705 thôn, bản, tổ dân phố chưa có sóng 3G, 4G. Tại những thôn, bản đó tốc độ đường truyền không đảm bảo khiến việc học của học sinh bị gián đoạn, gặp nhiều khó khăn…

Bà Nông Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập chia sẻ: Hiện tại, toàn trường có 177 học sinh thì có 112 học sinh có điện thoại thông minh và có mạng để học trực tuyến (chiếm 63,2%), 65 học sinh còn lại đều thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến. Hơn nữa, đường truyền mạng internet trong khu vực xã rất kém nên việc triển khai dạy và học trực tuyến trong những thời điểm cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 của trường rất khó khăn.

     Chung tay hỗ trợ học sinh nghèo

Để khắc phục những khó khăn trong công tác dạy và học trực tuyến đối với học sinh nghèo, học sinh ở vùng không có sóng 3G, 4G, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ các em đảm bảo việc học tập. Nổi bật trong những tháng gần đây là các cấp, ngành, doanh nghiệp tích cực triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mặc dù chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ song qua nắm bắt thông tin, chúng tôi được biết, các đơn vị tham gia chương trình đã quyên góp, ủng hộ và hỗ trợ một số học sinh máy tính bảng, điện thoại cùng thiết bị thu sóng 3G, 4G với tổng trị giá hỗ trợ 5 triệu đồng/học sinh nghèo, khó khăn. Những tháng gần đây, riêng Công đoàn ngành GD&ĐT tỉnh đã vận động quyên góp được 2,5 tỷ đồng cho chương trình này…

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn học trực tuyến trong mùa dịch

Ông Bế Đoàn Trọng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Theo nắm bắt của sở, không chỉ triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, thời gian gần đây, nhiều trường học, giáo viên đã có những cách làm sáng tạo để hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các thiết bị CNTT phục vụ việc học và ôn tập. Cụ thể, tại một số trường đã chia ca, phân bổ thời gian hợp lý để tạo điều kiện cho học sinh thiếu thiết bị CNTT, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, lõm sóng học trực tuyến tại các phòng máy tính. Với giáo viên thì cũng có nhiều cách làm riêng…

Cụ thể, thời gian qua, một số giáo viên đã linh hoạt trong việc in, giao bài tập, đề ôn luyện bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua trưởng thôn, từng tổ trưởng tổ nhóm học tập của lớp để giao đến tay học sinh nghèo không có thiết bị CNTT học tập. Khi trường học được mở cửa trở lại thì tiến hành bổ túc cho các em nhằm đảm bảo tiến độ học tập. Cô Nông Thu Hà, giáo viên Trường THCS xã Vân An, huyện Chi Lăng cho biết: Từ tháng 11/2021 đến nay, nhà  trường thực hiện dạy và học trực tuyến. Tôi chủ nhiệm lớp 7C có trên 30 học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng sinh sống ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, có sóng điện thoại, mạng 3G, 4G yếu. Để các em không gián đoạn việc học, tôi đã in các bộ bài tập lên giấy A4 và gửi đến các em thông qua người quen, người nhà, bạn học cùng trường, cùng lớp, có khi là trực tiếp  đưa đến cho các em. Với cách làm này, việc học tập của các em cơ bản được đảm bảo trong mùa dịch.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 49 trường triển khai học trực tuyến với 16.920 học sinh. Thiết nghĩ để học sinh nói chung, học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nói riêng được tiếp cận đầy đủ, thuận lợi với các chương trình học trực tuyến thì thời gian tiếp theo rất cần sự ủng hỗ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc quyên góp, hỗ trợ thiết bị CNTT. Để khắc phục tình trạng sóng yếu, các cấp, ngành liên quan nhất là doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án nâng cấp đường truyền mạng, phủ sóng 3G, 4G đến địa bàn vùng sâu, xa của tỉnh…


ĐĂNG THÙY - HOÀNG VƯƠNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/469060-hoc-truc-tuyen-can-hon-nua-su-tro-giup-cho-hoc-sinh-ngheo.html


  • Từ khóa