Thận trọng với quảng cáo trên mạng

Thứ 4, 13.04.2022 | 14:53:45
588 lượt xem

Không ít người bệnh vì tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây hại sức khỏe.

Người dân cần thận trọng với quảng cáo thuốc trên mạng xã hội. (Ảnh AN DƯƠNG) 

Gần đây, trên YouTube, xuất hiện một số clip quảng cáo các bài thuốc đông y gia truyền chữa các bệnh: Dạ dày, xương khớp, mất ngủ... đã có hàng nghìn người bệnh sử dụng và khỏi bệnh. Người giới thiệu bài thuốc xuất hiện trong clip mặc quân phục và tự xưng là bác sĩ quân y Ðặng Công An, ở xã Văn Khúc (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) Trong clip còn có hình ảnh rất nhiều người đang ngồi chờ để được bác sĩ chẩn bệnh, bốc thuốc. Tuy nhiên, qua xác minh của Công an huyện Cẩm Khê, ông Ðặng Công An không tham gia hoạt động khám, chữa bệnh, những hình ảnh trên mạng là do dàn dựng rồi đưa lên mạng quảng cáo để bán thuốc.

Ông An cũng cho biết, ông được một số người không quen biết về địa phương thuê làm quảng cáo sản phẩm. Công việc của ông là mặc bộ quân phục và đọc thông tin về bài thuốc chữa bệnh đã được họ chuẩn bị sẵn. Sau khi clip quảng cáo được phát trên các trang mạng xã hội, nhiều người tìm đến nhà ông An để khám bệnh, mua thuốc mới hay biết ông An không phải là bác sĩ, không tổ chức khám, chữa bệnh như quảng cáo.

Thời gian qua, trên các trang mạng cũng quảng cáo tràn lan các loại thuốc được cho là điều trị Covid-19. Không ít người tin theo những lời tư vấn của các "dược sĩ mạng", mua và sử dụng nhiều loại thuốc trôi nổi, gây hại cho cơ thể. Cuối tháng 2 vừa qua, cả nhà chị Minh An (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 5 người đều mắc Covid-19. Lo lắng cho sức khỏe của mọi người, chị An lên mạng tìm kiếm thông tin về cách điều trị Covid-19. Thấy nhiều trang quảng cáo thuốc kháng vi-rút của Nga, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng của Nhật Bản, Hàn Quốc và các thuốc trị ho, chống viêm, bổ sung kháng thể, chị Minh An đã đặt mua về sử dụng. Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị, chị Minh An vẫn dương tính với SARS-CoV-2, cơ thể mệt mỏi, các triệu chứng của bệnh không giảm.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) từng nhiều lần bị mạo danh trên các trang mạng xã hội, kể: "Năm 2019, tôi phát hiện có trang web sử dụng hình ảnh, tên tuổi của mình để dụ dỗ các bà mẹ mua sản phẩm dinh dưỡng trẻ em. Tôi đã vào trang web này yêu cầu quản trị viên xóa ảnh, xóa thông tin cá nhân của tôi; đồng thời, tôi đăng thông tin cảnh báo lừa đảo trên trang Facebook cá nhân, đề nghị bạn bè chia sẻ để nhiều người biết. Sau đó, trang web này đã xóa hình ảnh, xóa tên tôi, nhưng lại sử dụng tên, hình ảnh của một bác sĩ khác".

Nhiều cha mẹ khi đưa con đến khám tại Viện Dinh dưỡng cũng phản ánh rằng, con họ sử dụng sản phẩm sữa của Viện Dinh dưỡng trong nhiều tháng mà vẫn thấp còi, không tăng cân như quảng cáo. Khi được bác sĩ giải thích, Viện Dinh dưỡng không có sản phẩm sữa dinh dưỡng, những sản phẩm đó là giả mạo, không bảo đảm chất lượng, thì họ mới biết bị mắc lừa. Viện Dinh dưỡng cũng đã nhiều lần đăng tải thông tin cảnh báo trên trang web chính thức của viện, tuy nhiên, những thông tin giả mạo viện và các chuyên gia dinh dưỡng vẫn tràn lan trên mạng, trong đó có cả trang bán hàng trực tuyến lớn. Trước thực trạng đó, năm 2020, cơ quan này đã gửi công văn kiến nghị Công an thành phố Hà Nội điều tra hành vi giả mạo Viện Dinh dưỡng, nhằm bảo vệ uy tín của viện và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Từ nguồn tin bạn đọc cung cấp, phóng viên Báo Nhân Dân đã tiếp cận một cơ sở kinh doanh online tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội của một nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn, khám, chữa bệnh qua điện thoại. Tại thời điểm đó, cơ sở này có khoảng gần 100 nhân viên bán hàng. Hầu hết nhân viên không có chuyên môn, không được đào tạo về y, dược, nhưng tự xưng là các bác sĩ, chuyên khoa đầu ngành y, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm tổ chức khám bệnh, kê đơn thuốc qua điện thoại. Mỗi ngày, cơ sở kinh doanh này xuất đi hàng nghìn đơn hàng bằng hình thức chuyển phát đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng nghĩa với việc hàng nghìn khách hàng trở thành nạn nhân, hậu quả là tiền mất, tật mang.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng xử phạt nhiều trường hợp kinh doanh, quảng cáo vi phạm, trong đó có những trường hợp tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên, không có chuyên môn gì nhưng mạo danh là bác sĩ, dược sĩ. Cơ quan này cũng từng cảnh báo, phần lớn quảng cáo trên các trang mạng xã hội là những thông tin sai sự thật.

Hiện nay, thủ tục lập các trang fanpage bán hàng trên mạng xã hội hay các trang web, sàn thương mại điện tử để quảng cáo khá dễ dàng. Nếu không kiểm soát được hoạt động của các trang này thì những quảng cáo sản phẩm sai sự thật vẫn ngang nhiên tồn tại, là "cái bẫy" nguy hiểm với người tiêu dùng. Ðáng lo ngại là việc quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể lấy đi cơ hội điều trị của nhiều người, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.


Anh Thơ/nhandan.vn

https://nhandan.vn/xahoi/than-trong-voi-quang-cao-tren-mang-692918/

  • Từ khóa