Đền Mẫu Đồng Đăng – Dấu ấn văn hóa đặc sắc nơi vùng biên Xứ Lạng

Thứ 4, 20.04.2022 | 10:29:56
1,228 lượt xem

Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) – vùng đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và di tích tiêu biểu đặc sắc, trong đó có đền Mẫu. Đây là một trong những di tích tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo nên dấu ấn đặc sắc nơi vùng biên Xứ Lạng. Thời gian qua, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi đền này, chính quyền, Nhân dân thị trấn Đồng Đăng đã và đang có nhiều giải pháp tích cực.

Cùng với đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng), đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), đền Mẫu Đồng Đăng từ lâu đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Lạng Sơn. Di tích Đền Mẫu Đồng Đăng được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIX tại một mái đá sát chân núi cách vị trí ngày nay khoảng 300 m về phía Đông Bắc. Khoảng vài chục năm sau, thấy nơi đây chật hẹp không mấy thuận tiện cho việc thờ phụng, nhân dân địa phương đã di chuyển đền đến vị trí hiện tại và dựng lên một bát hương nhỏ để thờ. Từ năm 1990, nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng đền. Theo tiềm thức dân gian, đền Mẫu là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi ông đi xứ từ Trung Quốc trở về.

Thủ nhang đền Mẫu Đồng Đăng dọn dẹp ban thờ tại cung cấm của đền

Kiến trúc đền gồm hậu cung, cung đệ nhất, đệ nhị, đại bái và các công trình phụ cận khác, đền được xây 2 tầng vững chắc, mặt sau dựa vào chân núi đá, mặt trước hướng ra đường. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay, đền vẫn bảo tồn được kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: bia đá ma nhai, nghiên mực đá chạm khắc năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long (năm 1809), hoành phi câu đối… Năm 2002, đền Mẫu được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố. Lễ hội truyền thống của đền diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ, trò chơi đặc sắc.

Một ngày giữa tháng 4/2022, chúng tôi có dịp đến thăm di tích đền Mẫu Đồng Đăng. Không gian thờ tự được bố trí phù hợp, hệ thống tượng thờ được sắp đặt trang nghiêm lộng lẫy, tất cả toát lên sự nguy nga, bề thế của ngôi đền linh thiêng nơi thị trấn vùng biên Xứ Lạng. Bà Đỗ Thị Thúy, Thủ nhang, Phó Trưởng Ban quản lý di tích đền Mẫu Đồng Đăng cho biết: Trung bình mỗi năm, di tích thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Để tạo không gian sạch sẽ, tôn nghiêm, chúng tôi đã bố trí 6 người gồm cả bảo vệ thường trực ở đền quét dọn 2 lần trong ngày, đảm bảo an ninh khu vực đền. Đồng thời, hằng năm, chúng tôi cũng đã in hơn 10.000 tờ tóm tắt lịch sử của đền để góp phần quảng bá giá trị di tích đến du khách thập phương.

Là đơn vị trực tiếp quản lý di tích đền Mẫu, những năm qua, UBND thị trấn Đồng Đăng có nhiều giải pháp tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, UBND thị trấn cùng với Ban Quản lý đền tu bổ, tôn tạo, sơn sửa, xây dựng mới một số hạng mục như: nhà ăn, gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lầu hóa vàng, cổng đền… với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó năm 2021, UBND thị trấn đã kiện toàn Ban Quản lý di tích đền Mẫu gồm 9 thành viên, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị trấn làm trưởng ban. Ngoài ra, UBND thị trấn thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những biểu hiện sai phạm về sử dụng và khai thác giá trị di tích, hành vi tiêu cực, phản văn hóa; phối hợp với ban quản lý di tích đền tổ chức lễ hội hằng năm đảm bảo thuần phong mỹ tục, đúng quy định của Nhà nước…

Ông Lưu Quang Công, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Mẫu Đồng Đăng cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đền Mẫu Đồng Đăng, trong đó, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường xung quanh di tích. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích với nhiều hình thức sinh động hơn. Trước mắt trong năm 2022, chúng tôi sẽ cùng với nhà đền hoàn tất thủ tục tiến hành tu sửa một số hạng mục như: hoành phi câu đối, hệ thống tượng thờ…

Có thể nói, đền Mẫu Đồng Đăng là di tích quý giá góp phần làm phong phú tiềm năng di sản văn hóa của huyện Cao Lộc nói riêng và của tỉnh nói chung. Chính vì vậy, việc phát huy những giá trị văn hóa của di tích này là việc làm thiết thực để gìn giữ những vốn quý của cha ông cho thế hệ mai sau.


ĐỨC TÂM/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/494316-den-mau-dong-dang-dau-an-van-hoa-dac-sac-noi-vung-bien-xu-lang.html

  • Từ khóa