Khu di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn: Nơi lưu dấu lịch sử hào hùng

Thứ 3, 27.09.2022 | 14:32:16
958 lượt xem

Khu di tích (KDT) quốc gia đặc biệt – Khởi nghĩa Bắc Sơn là một trong những KDT có giá trị lịch sử tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích ghi dấu về lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam.

Đây là nơi diễn ra cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo góp phần tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Ngày nay, KDT đã trở thành một “Bảo tàng thu nhỏ sống động”- nơi lưu giữ những dấu ấn về không gian, thời gian và những hiện vật gắn liền với một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

KDT Khởi nghĩa Bắc Sơn được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2016. KDT có 12 điểm di tích gồm: Mỏ Tát, đồi Nà Kheo, đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài, Thâm Thoông – Dập Dị, Trường Vũ Lăng, Sa Khao, Khuổi Nọi, Lân Pán, Lân Táy – Mỏ Pia, Mỏ Rẹ, đèo Tam Canh. Các di tích phân bổ trên địa bàn 6 xã của huyện Bắc Sơn gồm: Tân Hương, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Vũ Lễ, Tân Lập, Long Đống.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS&THPT huyện Bắc Sơn tham quan tại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn.  Ảnh: DƯƠNG KIM

KDT Khởi nghĩa Bắc Sơn có giá trị tiêu biểu, quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sự quân sự cách mạng Việt Nam, ghi dấu hàng loạt những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt như: quá trình tiếp thu đường lối cách mạng và sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn (1930 – 1936); phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và sự kiện thành lập Đảng bộ huyện Bắc Sơn (1936 – 1939); Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) – khởi đầu cao trào đấu tranh cách mạng trong cả nước; thành lập khu căn cứ du kích Bắc Sơn (16/10/1940); thành lập mặt trận Việt Minh xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa (1941-1945); sự ra đời của Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn tại căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai (tháng 2/1941)…

Trong những năm qua, nhận thức vai trò, giá trị, tầm quan trọng của KDT Khởi nghĩa Bắc Sơn, các cấp, ngành của tỉnh nói chung và chính quyền huyện Bắc Sơn nói riêng đã có sự quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị KDT. Được biết, thời gian qua, UBND huyện Bắc Sơn đã tích cực giao phòng chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp quan trọng.

Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Nhằm phát huy giá trị của KDT quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, thời gian qua, phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền về nội dung, giá trị, ý nghĩa của KDT cho người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đồng thời, tham mưu tổ chức khoanh vùng cắm mốc giới bảo vệ các điểm di tích; đầu tư tôn tạo, tu bổ các điểm di tích…

Theo đó, công tác tuyên truyền được các cấp, ngành liên quan ở huyện đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức hoạt động hành hương về nguồn thăm các điểm di tích, giao lưu tọa đàm, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng vào các ngày lễ lớn. Cùng đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các cấp chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền.

Đoàn học viên công viên địa chất Lạng Sơn tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại di tích đình Nông Lục, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn

Ông Đặng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vũ Lăng cho biết: Trên địa bàn xã có 2 điểm di tích nằm trong KDT Khởi nghĩa Bắc Sơn gồm: Trường Vũ Lăng và đèo Thâm Thoông – Dập Dị. Hằng năm, chúng tôi đều tuyên truyền đến người dân về Luật Di sản Văn hóa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong các cuộc họp thôn, xã. Hằng tuần, chúng tôi đều cử cán bộ, người dân vệ sinh sạch sẽ các điểm di tích.

Đáng chú ý, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo lắp biển nội quy, biển giới thiệu và khoanh vùng, bảo vệ tại các điểm nằm trong KDT. Đồng thời, trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình thuộc di tích đèo Tam Canh, đình Nông Lục, Đồn Mỏ Nhài… từ nguồn kinh phí chương trình phát triển văn hóa, ngân sách tỉnh, huyện với tổng số vốn đầu tư trên 17,5 tỷ đồng. Các hiện vật, tài liệu liên quan đến KDT đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Bắc Sơn và nhà trưng bày truyền thống Vũ Lăng với tổng số 138 hiện vật. Được biết, trung bình mỗi năm, các địa điểm này thu hút khoảng 5.000 lượt khách. Anh Ngô Văn Tuấn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Về với Bắc Sơn, tôi rất xúc động khi được hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các thế hệ cha ông thông qua các điểm di tích như đồn Mỏ Nhài, đèo Tam Canh, đình Nông Lục… Đây thực sự là chuyến đi rất ý nghĩa và đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc”.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị KDT, nhằm từng bước xây dựng KDT xứng tầm là KDT quốc gia đặc biệt, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của KDT. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn tại Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/8/2022.

Tin tưởng rằng, với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa cùng sự quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị KDT của các cấp, ngành cùng sự đồng lòng của Nhân dân, KDT Khởi nghĩa Bắc Sơn sẽ trở thành một địa chỉ có giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện Bắc Sơn nói riêng và tỉnh Lạng sơn nói chung.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/529556-khu-di-tich-quoc-gia-dac-biet-khoi-nghia-bac-son-noi-luu-dau-lich-su-hao-hung.html

  • Từ khóa