Biết ơn Bộ đội Cụ Hồ

Chủ nhật, 09.08.2020 | 09:34:03
933 lượt xem

Mong ngóng từng ngày để được về nhà, thế nhưng sau hai tuần cách ly, 114 công dân Việt Nam, phần lớn là phụ nữ đang mang thai, hiện sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản, Ba Lan, Italy, Bỉ, Rumani... lại rất bịn rịn, quyến luyến với “ngôi nhà chung”, tuy trong thời gian ngắn nhưng đã đọng lại trong họ nhiều kỷ niệm ấm áp tình người.

Quãng thời gian ở khu cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Trung đoàn 971, Bộ CHQS TP Đà Nẵng) đã giúp họ hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng và tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ.

Mang thai tháng thứ 8, những ngày ở khu cách ly, các chị: Đồng Thị Thu Thủy (30 tuổi, trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), Hà Trang (24 tuổi, trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Phí Thị Tuyết (27 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) được cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế ưu ái sắp xếp ở chung trong căn phòng nhỏ dưới tầng 1, nơi có nhiều bóng mát cây xanh hơn. Tuy điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, song bộ đội vẫn bố trí riêng cho mỗi chị một chiếc quạt cây... Mỗi người một quê, hoàn cảnh khác nhau, song những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng cách ly, các chị đã thân thiết như chị em ruột thịt.

Biết ơn Bộ đội Cụ Hồ
Em bé trong khu cách ly được các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe. 

Bằng kinh nghiệm thực tế của mình từ thời chăm vợ đẻ, mỗi lần xuống thăm khám, đo thân nhiệt, Đại úy QNCN Võ Mai Bình, nhân viên quân y Trung đoàn 971 đều tận tình tư vấn, hướng dẫn các chị những kỹ năng cần thiết khi chuẩn bị trở dạ, sinh con và chăm sóc trẻ sơ sinh. Cách nói chuyện thân tình, dí dỏm của anh khiến mọi người thấy rất yên tâm, thoải mái. Lúc còn ở Nhật, qua báo chí, các chị đã rất ấn tượng và cảm mến về anh Bình-“chú khủng long diệt khuẩn”, nhân vật chính trong bộ "Nhật ký bằng tranh 14 ngày cách ly" của nữ sinh viên Phạm Thị Hảo, người Tuyên Quang, cách đây vài tháng (cuốn nhật ký đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5). Về Việt Nam lần này, các chị rất bất ngờ và may mắn được gặp anh Bình, thầm cảm ơn anh đã tận tình giúp đỡ.

Chị Lê Thị Thủy (27 tuổi, trú tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lắc, đang mang thai tháng thứ 6), tâm sự: “Vợ chồng tôi làm việc tại Nhật Bản. Mấy tháng nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công ty đóng cửa, cuộc sống rất khó khăn. Thương vợ bụng mang dạ chửa, chồng khuyên tôi về Việt Nam để tiện việc sinh con, còn anh vẫn ở lại bên đó. Các anh, các chú bộ đội và nhân viên y tế ở đây đối với chúng tôi rất tốt. Thời tiết nóng nực, thấy các anh mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ chống giọt bắn cả ngày mà thương quá. Tôi nghe mấy chị em ở đây nói, trong khung tiếp nhận công dân, có những đồng chí vợ đang mang thai, nhưng vì nhiệm vụ, các anh vẫn ngày đêm ở đây chăm sóc chúng tôi. Cùng là phụ nữ, tôi rất cảm phục, trân trọng sự vất vả, hy sinh của những người vợ bộ đội. Mong sao dịch bệnh sớm qua để các anh được về bên gia đình”.

Biết ơn Bộ đội Cụ Hồ
Công việc hằng ngày của các chiến sĩ trong khu cách ly. 

Trò chuyện với các chiến sĩ trẻ ở khu cách ly, chúng tôi được biết, do đợt này có nhiều phụ nữ mang thai nên buổi tối trước khi đi ngủ, các anh thường mở những bản nhạc giao hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng giúp mọi người cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn. Qua khảo sát, lấy ý kiến hằng ngày, mọi người đều nhận xét, đánh giá cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, chiến sĩ và cơ sở vật chất, chất lượng bữa ăn tại trung tâm. Trong khung tiếp nhận quản lý người cách ly, nhiều đồng chí có gia đình, vợ con ngay trong thành phố, nhưng để bảo đảm an toàn, đã mấy tháng nay các anh không về nhà. Sau mỗi đợt cách ly, họ lại khẩn trương bắt tay vào tổng dọn vệ sinh, củng cố doanh trại để sẵn sàng tiếp nhận các công dân về đợt sau. Công việc vất vả và nguy hiểm do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, song các anh luôn động viên nhau đoàn kết, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, mọi hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đường bộ, đường sắt cả đến và đi tại Đà Nẵng đều đã tạm dừng. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, các công dân đều được Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng bố trí phương tiện đưa về quê nhà. Phút chia tay, Thiếu tá Vũ Văn Nam, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, chỉ huy khu cách ly dùng loa phóng thanh nói lời tạm biệt: “Đề nghị mọi người kiểm tra kỹ lại hành lý, tư trang, tránh trường hợp bỏ quên hay nhầm lẫn. Trong thời gian ở khu cách ly, nếu anh em chúng tôi có điều gì sơ suất, chưa chu đáo, rất mong bà con lượng thứ và chân thành góp ý, phê bình. Cảm ơn mọi người luôn hợp tác, giúp đỡ anh em chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kính chúc mọi người lên đường mạnh giỏi, thượng lộ bình an. Chúng tôi vẫn sẽ ở lại đây để chuẩn bị và tiếp nhận thêm các công dân mới đến cách ly”. Anh Nam chưa nói dứt lời, trên xe đã có nhiều người bật khóc vì lưu luyến, xúc động.

Hai mắt đỏ hoe, chị Ngô Huyền Trang (29 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cảm động không nói nên lời. Ngồi trên xe ô tô đang từ từ chuyển bánh, chị viết những dòng tin nhắn gửi qua Zalo: “Mẹ con em suốt đời mang ơn Bộ đội Cụ Hồ, những “chiến binh quả cảm” đã không quản ngày đêm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho mọi người trong khu cách ly. Con người Đà Nẵng bao đời nay vẫn vậy, luôn nhiệt tình, dễ mến, đáng yêu. Mong Đà Nẵng sớm vượt qua đại dịch, cố lên Đà Nẵng yêu thương”.


Bài và ảnh: VIỆT HÙNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/biet-on-bo-doi-cu-ho-631109

  • Từ khóa