Cần tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch

Thứ 5, 29.09.2022 | 14:50:30
851 lượt xem

Lạng Sơn là mảnh đất giàu tiềm năng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch còn nhiều hạn chế, còn ít sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong xu thế phát triển hiện nay.

Khách đông nhưng doanh thu chưa cao

Du lịch Lạng Sơn những năm gần đây được đánh giá ngày càng phát triển với một số dự án đầu tư du lịch trọng điểm thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp lớn, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, các sản phẩm phục vụ du khách (mảng tiêu dùng và các dịch vụ trải nghiệm) tại các khu, điểm du lịch ở Lạng Sơn còn khá khiêm tốn, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí, quà lưu niệm… Điều đó dẫn đến thực tế, số lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đông nhưng thời gian lưu trú, doanh thu vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Du khách tham quan khuôn viên nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng (huyện Chi Lăng)

Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt hơn 3 triệu lượt, tăng trên 181% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh thu du lịch tương ứng với lượng khách của Lạng Sơn vẫn còn ở mức thấp. Trung bình một du khách quốc tế chi tiêu khoảng 800.000 đồng đối với khách có lưu trú và khoảng trên 500.000 đồng đối với khách không lưu trú. Khách nội địa là 500.000 đồng đối với khách lưu trú và khoảng 300.000 đồng đối với khách không lưu trú (Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, mức chi bình quân của một khách nội địa từ 1 đến 1,6 triệu đồng/ngày).

Anh Nguyễn Tuấn Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi đã từng trải nghiệm du lịch tại một số địa điểm của Lạng Sơn như: Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), khu di tích Ải Chi Lăng (Chi Lăng)… nhưng mỗi nơi chỉ đi chơi trong ngày, ngắm cảnh và thưởng thức một số món đặc sản chứ không có nhu cầu nghỉ đêm hay mua sắm được thêm gì do thiếu các sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí…

Đó không chỉ là cảm nhận của riêng anh Tuấn Anh mà đó còn là chia sẻ của rất nhiều du khách khi đến với Lạng Sơn.

Bà Tô Thị Thu Sen, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Phú Lộc – Phú Tài, huyện Bắc Sơn cho biết: Qua phản ánh của khách hàng, tôi nhận thấy dịch vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Bắc Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Các đoàn khách về Bắc Sơn thường có nhu cầu cao về mua các đặc sản và các sản phẩm lưu niệm  của vùng với số lượng nhiều để làm quà nhưng trên địa bàn huyện chưa có cơ sở nào đáp ứng được nhu cầu này của du khách. Do đó tôi rất mong các cấp, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng thêm những cơ sở cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu du khách được tốt hơn.

Thực tế đó đặt ra một câu hỏi, làm thế nào để du lịch Lạng Sơn thu hút, “giữ chân” được du khách và để họ được sử dụng nhiều dịch vụ hơn khi đến Lạng Sơn?

   Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn thiếu tính hấp dẫn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao; năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm quản lý, vốn còn hạn chế; việc tổ chức các hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu tính liên kết. Công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch tuy có những thay đổi tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết những tiềm năng của các loại hình du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị… Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, một số dự án du lịch triển khai chậm…

Nhằm tăng sức hút của các sản phẩm du lịch, ngành VHTT&DL tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Homestay Gia Bảo (Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, Hữu Lũng)

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Để du lịch phát triển một cách bền vững và giữ chân du khách, Sở VHTT&DL đã khuyến khích người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạo điều kiện để nhân  viên tham gia các hoạt động tham quan học tập cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, sở chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu, phối hợp tổ chức các chương trình, các hoạt động mẫu để các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn học hỏi, áp dụng làm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Đầu tháng 9/2022, sở đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với hiệp hội du lịch tỉnh để tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp trong xây dựng sản phẩm du lịch, tạo các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt cũng như các sản phẩm quà tặng độc đáo trên cơ sở các di sản vật thể, phi vật thể, các sản vật, đặc sản địa phương… làm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Theo đó, thời gian gần đây, một số ít doanh nghiệp, gia đình trên địa bàn tỉnh đã tập trung khai thác sản phẩm nông nghiệp để mở cửa đón khách tham quan, mua sắm, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên địa bàn như: mô hình du lịch trải nghiệm vườn nho, quýt, hạt dẻ, dâu tây (thành phố Lạng Sơn); trải nghiệm vườn mận (Hữu Lũng, Cao Lộc); trải nghiệm vườn quýt (Bắc Sơn)… Tuy nhiên, so với tiềm năng thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn, một vài nơi vẫn còn phát triển thiếu bài bản, không đa dạng và chưa có sự liên tục nên mới chỉ khai thác mùa vụ, tự phát, thiếu sự linh hoạt.

Thiết nghĩ, để du lịch phát triển bền vững và giữ chân du khách, thời gian tới rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành cũng như sự chung tay đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, đảm bảo ngày càng hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025.

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Những năm gần đây, Du lịch Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Lạng Sơn vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng và còn nhiều hạn chế. Nhìn từ cả góc độ cung ứng và nhu cầu du lịch thì sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng để giữ chân khách du lịch, do vậy để có chiến lược toàn diện về phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn nên tập trung vào một số giải pháp như: Xây dựng và phát triển dòng sản phẩm du lịch biên mậu MICE (kết nối gặp mặt thương mại, hội thảo, hội nghị… giữa các doanh nghiệp và địa phương của hai quốc gia)… Đây phải được coi là một trong những dòng sản phẩm chính – đặc thù – là thế mạnh hiếm có của Lạng Sơn.

Gắn với khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, hồ Bản Lải (Lộc Bình), hồ Vũ Lăng, hồ Phai Thuống, hồ Pác Mỏ (Bắc Sơn)… Lạng Sơn có thể xây dựng dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh như: các dịch vụ tắm lá thuốc, thiền dưỡng sinh…

Mặt khác, tỉnh có thể tập trung phát triển dòng sản phẩm du lịch cộng đồng; dòng sản phẩm văn hóa phi vật thể (ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trang phục, tập quán, lễ hội) gắn với các hoạt động trải nghiệm mới như: Thăm và tìm hiểu khía cạnh lịch sử phát triển, các tập quán hình thành; các quy trình sản xuất đặc biệt, tinh hoa sản phẩm, giá trị văn hóa cộng đồng. Đồng thời, phát triển các sản phẩm vui chơi giải trí và thể thao như: du lịch golf, du lịch dù lượn, khinh khí cầu…”

Ông Trần Tấn Điền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch TADI Travel

“Đến Lạng Sơn trải nghiệm tại một số điểm du lịch, tôi thấy tỉnh đã có sự quan tâm, khai thác các sản phẩm du lịch khá ấn tượng và độc đáo. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một hạn chế chung của các điểm du lịch đó là ít hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí. Ngay tại các điểm du lịch trong cùng một địa bàn cũng chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Do đó, để tăng sức hút và “giữ chân” du khách được lâu hơn, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, cũng như sự kết hợp tốt giữa các doanh nghiệp lữ hành với các cơ sở dịch vụ, lưu trú trong việc chuẩn bị chu đáo các khâu đưa đón, dịch vụ ăn, nghỉ, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm cho du khách, lồng ghép sản phẩm OCOP với các sản phẩm du lịch. Ví như việc khai thác sản phẩm du lịch trải nghiệm, ăn trái tại các vườn mận Bình Gia, quýt Bắc Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, na Chi Lăng, đào Mẫu Sơn… kết hợp với hoạt động trò chơi tập thể. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có thể xây dựng các tour du lịch ẩm thực đặc sản, trải nghiệm từ các quy trình sản xuất đến khâu hoàn thiện sản phẩm… Qua đó, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương”.


MINH NGỌC - HUY ANH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/du-lich/530100-can-tiep-tuc-chu-trong-phat-trien-cac-san-pham-du-lich.html


  • Từ khóa