Thời điểm nào trên máy bay nguy hiểm nhất?

Chủ nhật, 24.05.2020 | 15:37:53
767 lượt xem

Khi máy bay cất và hạ cánh, hành khách nên tỉnh táo thay vì ngủ quên, theo nghiên cứu từ Đại học Y Harvard.

Giới chuyên gia hàng không thế giới thường có một câu nói, đó là: Bạn có khả năng chết vì một bữa ăn cao hơn thiệt mạng trong một chuyến bay. Trên thực tế, điều này được chứng minh. Với tỷ lệ chết người thấp nhất trong các phương tiện công cộng, 1/2,5 triệu chuyến bay, máy bay vẫn được coi là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Business Insider cũng chỉ ra rằng một nửa trong số những vụ tai nạn máy bay đó xảy ra trong giai đoạn rất ngắn của chuyến đi. Và câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất chính là: thời điểm nào ngồi trên máy bay nguy hiểm nhất? Lúc hạ cánh, cất cánh hay đang bay? 

Boeing đã làm một nghiên cứu theo dõi các tai nạn máy bay trên thế giới gây tử vong hàng năm và phân loại những tai nạn đó xảy ra vào từng thời điểm trong chuyến bay. Nghiên cứu chia chuyến bay trung bình kéo dài 90 phút thành 8 giai đoạn. Ba giai đoạn đầu tiên là di chuyển trên đường băng để chuẩn bị cất cánh, cất cánh và bay lên bầu trời chỉ chiếm 2% thời gian bay, nhưng lại có tới 14% các vụ tai nạn xảy ra ở thời điểm này. Con số này có vẻ như không nhiều. Nhưng nếu so sánh với thời điểm máy bay bay trên không trung, chiếm quá nửa thời gian bay, và chỉ có 11% các vụ tai nạn chết người xảy ra, chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của việc cất cánh thành công. 

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là giai đoạn nguy hiểm nhất của một chuyến bay. Theo thống kê từ Boeing, giai đoạn cuối cùng là hạ cánh chỉ chiếm khoảng 4% thời gian bay, dài gấp đôi thời gian cất cánh. Nhưng trong thời điểm ngắn ngủi này, nó đã "kịp" gây ra 49% các vụ tai nạn. Và hạ cánh chính là phần nguy hiểm nhất của một chuyến bay. 

Vậy nguyên nhân do đâu hạ cánh là phần nguy hiểm nhất? Câu trả lời chính là thời gian. 

Khi bay ở độ cao 12.000 m, phi công có thời gian và không gian thoải mái để kiểm soát sự cố. Ngay cả khi hai động cơ đều hỏng, máy bay vẫn không bị rơi luôn khỏi bầu trời. Nó sẽ thành một tàu lượn. Ở trạng thái này, một chiếc máy bay thông thường sẽ bị hạ độ cao khoảng 1,6 km khi di chuyển về phía trước trong 10 phút. Cứ như vậy, nó sẽ mất khoảng 8 phút mới chạm đất. Và phi công sẽ có 8 phút quý báu đó để xoay xở, tìm chỗ hạ cánh. 

Với nhiều phi công, lời khen ngợi nghề nghiệp mà họ thích được nghe nhất chính là Hạ cánh đẹp lắm (Beautiful Landing). Ảnh: Air Fact Journal.

Với nhiều phi công, lời khen ngợi nghề nghiệp mà họ thích được nghe nhất chính là "Hạ cánh đẹp lắm" (Beautiful Landing). Ảnh: Air Fact Journal.

Nhưng nếu vấn đề xảy ra khi đang ở trên mặt đất, thời gian vàng để phi công xử lý tình huống bị co lại đáng kể. Đối với một máy bay thương mại thông thường, việc cất cánh kéo dài từ 30 đến 35 giây. Nếu một động cơ bị hỏng, hoặc thiết bị hạ cánh bị kẹt, phi công gần như không có thời gian quyết định nên tiếp tục cất cánh hay cố gắng vật lộn với "con thú kim loại" nặng hàng trăm tấn này.

Việc hủy bỏ cất cánh là điều hiếm gặp vì đây là quyết định rất mạo hiểm. Để phanh một chiếc máy bay đang tăng tốc trên đường băng, vận tốc lên đến 160km/h là điều rất khó. Khi đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh, các quy tắc vật lý sẽ không cho phép máy bay dừng lại một cách dễ dàng. Nếu phi công chưa kịp cất cánh, hay hủy bỏ vào thời điểm này, máy bay có thể trượt ra ngoài đường băng, đâm vào bất kỳ thứ gì chắn phía trước, thậm chí là vách đá như tại sân bay Telluride ở bang Colorado, Mỹ.

Những sân bay nguy hiểm như Telluride sẽ có hệ thống "bắt giữ", kẹp chặt lốp máy bay ở phía cuối đường băng nhằm giúp phi công có thể phanh máy bay thành công trước khi đâm vào vật cản phía trước. Nhưng không phải sân bay nào cũng có hệ thống này, và cũng không phi công nào muốn có trải nghiệm đáng nhớ này trong sự nghiệp. 

Vậy điều gì khiến việc hạ cánh lại nguy hiểm hơn cất cánh? Trong giai đoạn hạ cánh thông thường, phi công thường làm các công việc như liên lạc với kiểm soát không lưu, hạ cánh xuống đúng đường băng được chỉ dẫn và thông báo cho phi hành đoàn. Quy trình diễn ra cũng gần giống lúc cất cánh, nhưng lúc này máy bay sẽ lao xuống mặt đất, thay vì hướng lên bầu trời. Lúc đó, tốc độ máy bay được giảm xuống, nhưng cũng là thời điểm nguy hiểm nhất.

Lý do là bất kỳ ảnh hưởng nào của gió hoặc thứ gì tương tự cũng có thể khiến máy bay mất cân bằng, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều lần so với khi cất cánh. Và đôi khi, với một cuộc hạ cánh bình thường mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ, chỉ cần có một sự cố xảy ra vào giây cuối cùng, nó cũng khiến máy bay gặp tai nạn. 

Những thống kê của Boeing có thể đáng sợ, nhưng hãng và các chuyên gia hàng không vẫn khẳng định rằng bay là cách an toàn nhất để bạn đi du lịch, di chuyển. 

Còn theo nghiên cứu từ đại học Y Harvard, Mỹ, hành khách không nên ngủ trong lúc máy bay cất, hạ cánh vì nguy hiểm. Nếu bạn đang ngủ trong giai đoạn này, máy bay thay đổi độ cao đột ngột, ống eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng, có nhiệm vụ cân bằng áp lực tai và xả dịch dư thừa từ tai giữa. Ống eustachian thường được đóng kín, trừ lúc nhai, nuốt hoặc ngáp) có thể bị tắc nghẽn và gây tổn thương tai. 

Một số trường hợp bị rách màng nhĩ do tổn thương này, còn phần lớn mọi người sẽ bị đau, buốt tai. Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có thể làm giảm những khó chịu này bằng cách ngáp hoặc nuốt. Đó là lý do trên nhiều chuyến bay, tiếp viên sẽ phát kẹo, nước cho hành khách trước khi hạ cánh. 


Anh Minh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/thoi-diem-nao-tren-may-bay-nguy-hiem-nhat-4103991.html

  • Từ khóa