Vì sao Ukraine rất khó gia nhập NATO lúc này?

Chủ nhật, 16.10.2022 | 14:39:18
413 lượt xem

Các chuyên gia quân sự cho rằng, sau loạt tập kích tên lửa dồn dập của Nga, Ukraine nên thúc đẩy NATO ưu tiên cung cấp vũ khí quân sự hỗ trợ, chứ không phải là việc kết nạp thành viên.

Vì sao Ukraine rất khó gia nhập NATO lúc này? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cầm lá đơn xin gia nhập NATO tại Kiev vào ngày 30/9 (Ảnh: AP).

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức lễ ký kết thỏa thuận sáp nhập 4 vùng lãnh thổ mới từ Ukraine vào ngày 30/9, người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng nhanh chóng tuyên bố đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO.

Động thái trên của Kiev một lần nữa cho thấy rõ, lời đề nghị trước đó của Ukraine về việc chấp nhận vị thế trung lập đã không còn trên bàn đàm phán.

Mong muốn gia nhập NATO của nhà lãnh đạo Ukraine là điều dễ hiểu, nhưng có vẻ đã sai thời điểm, các chuyên gia nhận định. 

Theo các chuyên gia, thay vào đó, ưu tiên hàng đầu mà ông Zelenskyy cần làm là tiếp tục thúc ép các thành viên NATO cung cấp cho Ukraine những vũ khí quân sự cần thiết, đồng thời tìm kiếm những cam kết chắc chắn để giúp Kiev xây dựng một quân đội hiện đại có khả năng đối phó với lực lượng quân sự hùng mạnh hơn của Nga.

Ukraine đã rơi vào cuộc xung đột với Nga trong gần 8 tháng qua và đang phải chịu tổn thất quân sự và dân sự rất lớn. Nhưng Kiev tin rằng, cuộc xung đột này đã khiến họ có quyền trở thành thành viên của liên minh quân sự duy nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, phản ứng của các thành viên NATO khiến Kiev khó có thể hài lòng, dù đây là điều được dự đoán trước. Hôm 2/10, các nhà lãnh đạo của 9 thành viên NATO ở Trung và Đông Âu (Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia) đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh, đồng thời kêu gọi tất cả thành viên NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Canada bày tỏ sự ủng hộ một cách riêng biệt đối với tư cách thành viên của Ukraine trong liên minh.

Nhưng đó chỉ mới là 10 trong số 30 thành viên của NATO. Tổng thống Bulgaria đã từ chối tham gia tuyên bố chung của 9 nhà lãnh đạo trong khu vực vì ông không đồng ý với ngôn ngữ về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO.

Trong khi đó, lãnh đạo các cường quốc trong NATO có cách tiếp cận thận trọng hơn. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đặt câu hỏi về tư cách thành viên của Ukraine khi nói rằng, cánh cửa NATO luôn mở nhưng việc gia nhập NATO cần có sự đồng ý của toàn bộ 30 quốc gia thành viên NATO.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết quy trình thành viên "nên được thảo luận vào thời điểm khác chứ không phải bây giờ". Nhiều quốc gia đồng minh NATO khác cũng đáp lại yêu cầu của Kiev bằng sự im lặng.

Theo các quy định, để gia nhập NATO cần có sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên. Và thực tế là Ukraine hiện không có số phiếu cần thiết để có được tư cách thành viên.

Quan điểm thận trọng của các nước cũng có lý do rõ ràng. Trụ cột cho sự tồn tại của NATO là điều 5 của Hiệp ước của khối này về phòng thủ tập thể, theo đó NATO coi việc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của khối cũng là tấn công vào tất cả NATO và NATO sẽ đáp trả một cách tập thể.

Và nếu Ukraine, hiện đang xung đột với Nga, trở thành một thành viên, các đồng minh khác sẽ có nghĩa vụ đứng ra bảo vệ Kiev, tức phải tuyên chiến với Nga và biến xung đột Nga - Ukraine thành một cuộc chiến tổng lực NATO-  Nga.

Đó là điều mà NATO kiên quyết né tránh từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và cũng là lý do đến thời điểm này NATO vẫn tương đối kiềm chế, không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tấn công hiện đại hơn dù trên thực tế đã hỗ trợ toàn diện cho Ukraine về vũ khí, huấn luyện và tình báo.

Thực tế là nhiều nước NATO đang cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự khác để giúp Ukraine. Nhưng họ đã vạch ra "ranh giới đỏ" để tránh một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.

Ukraine cần thực tế hơn

Gia nhập NATO vốn là nguyện vọng của Ukraine và được ghi trong Hiến pháp nước này kể từ năm 2019. Tuy nhiên, nỗ lực đó từ lâu đã trở thành nguồn gốc của mọi căng thẳng với Nga, khi Moscow coi sự mở rộng về phía Đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất.

Khả năng để Ukraine sớm gia nhập NATO gần như không có bởi trong 30 nước thành viên NATO, một số nước như Hungary hay Thổ Nhĩ Kỳ gần như chắc chắn sẽ phủ quyết.

Hồi đầu năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng từng tiết lộ, ông đã thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Ukraine chắc chắn không thể gia nhập NATO trong ít nhất là 30 năm nữa.

Vì sao Ukraine rất khó gia nhập NATO lúc này? - 2

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ lô tên lửa Javelin do Mỹ hỗ trợ (Ảnh: Getty).

Vì vậy, theo giới phân tích, thay vì tìm kiếm tư cách thành viên NATO, Kiev giờ  cần tiếp tục tập trung vào việc đảm bảo sự trợ giúp ngay lập tức từ liên minh này, dưới hình thức hỗ trợ nhiều vũ khí quân sự hơn.

Điều này đối với các nước NATO là dễ dàng hơn nhiều.

Thực tế là chỉ trong vài tháng, các nước đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chuyển từ vũ khí chống giáp cơ động Javelin và tên lửa phòng không vác vai Stinger sang hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến NASAMS và cả hệ thống phòng không tầm xa.

Các đồng minh NATO có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn nữa. Tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng hơn 300km là vũ khí đáng chú ý. Và đây mới phải là ưu tiên hàng đầu của Ukraine trong tình thế hiện nay.

Hơn nữa, cuộc chiến này đến một lúc nào đó cũng sẽ kết thúc. Kiev nên xem xét những gì họ sẽ cần để xây dựng một quân đội có khả năng ngăn chặn một cuộc chiến lớn hơn nữa trong tương lai. Một quân đội Ukraine được hiện đại hóa sẽ cung cấp đảm bảo an ninh tốt nhất cho đất nước.

Danh sách mua sắm của Ukraine có thể bao gồm các loại vũ khí như xe tăng chiến đấu chủ lực M-1 của Mỹ và Leopard của Đức, máy bay và tên lửa phòng không của phương Tây, và có thể cả máy bay tấn công mặt đất A-10 của Mỹ.

Trong khi tư cách thành viên NATO đối với Ukraine cần đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên liên minh, việc đưa ra quyết định cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine là thuộc quyền tự quyết của mỗi quốc gia. Nhiều đồng minh có thể thích cam kết hỗ trợ vũ khí cho Ukraine hơn là cam kết phải bảo vệ Kiev.

Sau chiến tranh, Kiev vẫn có thể theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO.

Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7/2022, các nhà lãnh đạo NATO nhắc lại rằng, chính sách mở cửa của liên minh vẫn có hiệu lực, kể cả đối với Ukraine.

Trong một thế giới sau chiến tranh, Ukraine có thể thấy rằng hoàn cảnh thay đổi đủ để có thể biến điều mà bây giờ không thể thành có thể. Tuy nhiên, hiện tại, Ukraine nên tập trung vào những gì thực tế nhất và họ có thể đạt được.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-ukraine-rat-kho-gia-nhap-nato-luc-nay-20221013145747514.htm

  • Từ khóa