Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh

Thứ 4, 05.10.2022 | 15:06:21
673 lượt xem

Trong tháng 9/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã tiếp nhận và điều trị 5 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc Nicotine (sau khi hút thuốc lá điện tử). Đây là hồi chuông cảnh báo về tác hại thuốc lá điện tử đối với sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Những ngày gần đây, cộng đồng xôn xao vì thông tin “Lạng Sơn: Nữ sinh 14 tuổi hôn mê sau khi hút thuốc lá điện tử”. Theo thông tin từ BVĐK tỉnh, ngày 29/9/2022, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 14 tuổi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái, đồng tử giãn, suy hô hấp. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại với các dấu hiệu của ngộ độc Nicotine. Theo lời kể của bệnh nhân , sau khi được bạn bè cho hút thử một loại thuốc lá điện tử (TLĐT) thì bị co giật, mất ý thức. Sau khi được cấp cứu, xử lý truyền dịch, thở ô xy, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Công an huyện Cao Lộc tuyên truyền về phòng, chống ma túy và tác hại của thuốc lá tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS – THPT huyện Cao Lộc

Được biết, đây là bệnh nhân thứ 5 thuộc đối tượng học sinh phải nhập viện do ngộ độc Nicotine sau khi sử dụng TLĐT được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện trong tháng 9/2022. Thực tế đó cho thấy, việc sử dụng các sản phẩm TLĐT gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ. Bác sĩ Đinh Vĩnh Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết: Các trường hợp nhập viện vào khoa đều được chẩn đoán ngộ độc hóa chất có hại với các dấu hiệu của ngộ độc Nicotine. Các bệnh nhân đều có chung các triệu chứng như: da xanh tái, nhịp tim nhanh, chóng mặt, đồng tử giãn, rối loạn ý thức và thở chậm… Sau khi được cấp cứu, truyền dịch, cho thở ô xy, các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện. Theo lời kể của các bệnh nhân, trước khi được đưa vào viện cấp cứu, các em đã hút TLĐT.

Thời gian qua, tác hại của TLĐT đã được cảnh báo rất nhiều và hầu hết sản phẩm này trên thị trường được khảo sát là không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được phân phối qua các kênh chính thống. Đồng thời, việc tuyên truyền về tác hại của TLĐT cũng đã được các cấp, ngành liên quan tuyên truyền quyết liệt, nhất là tại các trường học. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hút TLĐT ở học sinh tăng cao là do TLĐT dễ mua và sử dụng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ đang lầm tưởng TLĐT vô hại, không gây nghiện. Ngoài ra, việc sử dụng TLĐT gia tăng trong một bộ phận học sinh chính là do tâm lý tuổi mới lớn của học sinh muốn tìm hiểu, khám phá những điều mới và cũng là một cách thể hiện bản thân trước bạn bè nên đã có nhiều học sinh lén lút sử dụng TLĐT, dẫn đến tình trạng nhập viện điều trị như các trường hợp trên.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hút TLĐT có rất nhiều nguy hại đến sức khỏe con người như: gây nghiện, viêm phổi, gia tăng các bệnh tim mạch, ung thư. Trong TLĐT còn có thêm các chất tạo màu, tạo mùi vị, cồn, nước… Những hóa chất này khi đốt nóng lên sẽ tạo ra các chất độc hại làm tổn thương tế bào đường hô hấp, tác động lên hệ thần kinh trung ương… Riêng đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, hoạt chất Nicotine trong TLĐT gây hại cho sự phát triển não bộ của trẻ em, đồng thời, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, gây sinh non hoặc thai chết lưu. Đối với học sinh, việc sử dụng TLĐT sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống, nhất là gây hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức, rối loạn tâm thần và cảm xúc, giảm khả năng học tập.

Thiết nghĩ, để ngặn chặn tình trạng hút TLĐT trong học sinh, các cấp, ngành, đoàn thể và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của TLĐT. Bên cạnh đó, các phụ huynh học sinh cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em của mình về thời gian, tiền bạc, quan hệ bạn bè và thói quen sinh hoạt hằng ngày để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, định hướng lối sống tích cực. Từ đó, giúp các em có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh trước tác hại của thuốc lá nói chung và TLĐT nói riêng.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Y tế tiến hành năm 2020 (từ năm 2021 đến nay không khảo sát, đánh giá) về điều tra sức khỏe học sinh trong cả nước đã cho kết quả về tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh. Theo đó, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 là 8,35% (tăng gần 40 lần so với năm 2005 – năm đầu tiên TLĐT xuất hiện tại Việt Nam); tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 là 12,6%.


ĐẠI LÂM - MINH NGỌC/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/531384-canh-bao-tinh-trang-su-dung-thuoc-la-dien-tu-trong-hoc-sinh.html

  • Từ khóa