Trả lời bạn xem truyền hình ngày 11/10/2022

Thứ 3, 11.10.2022 | 10:31:03
910 lượt xem

LSTV - (Tuần 2) Thứ ba, ngày 11 tháng 10 năm 2022

Câu 1. Ông Triệu Văn Chung, trú tại xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình hỏi: Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã gồm những thủ tục gì? việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự,việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã phải tuân theo thủ tục sau đây:

- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

- Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

 Theo Điều 640 Bộ luật Dân sự,người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Câu 2. Ông Hứa Ngọc Linh, trú tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn hỏi: Để tiếp nhận một người vào cơ sở trợ giúp xã hội, thì trình tự, thủ tục thực hiện được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó quy định các thủ tục tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội như sau:

Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở đối với đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ (người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi; Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật), thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối tượng hoặc người giám hộ cần chuẩn bị giấy tờ sau: 

- Đơn của đối tượng hoặc người giám hộ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 103/2017 ngày 12/9/2017 của Chính phủ; 

- Bản sao giấy khai sinh đối với trẻ em, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi phải làm thủ tục đăng ký khai sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch;

- Xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền đối với trường hợp bị nhiễm HIV gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng, Hội đồng xét duyệt cấp xã có trách nhiệm xét duyệt và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 7 ngày làm việc, trừ những thông tin về HIV của đối tượng;

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý hoặc có văn bản đề nghị người đứng đầu cơ sở tiếp nhận đối tượng vào cơ sở;

đ) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ của đối tượng và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu cơ sở quyết định tiếp nhận đối tượng vào cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý;

e) Trường hợp đối tượng không được tiếp nhận vào cơ sở thì người đứng đầu cơ sở phải trả lời ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Câu 3. Ông Nguyễn Chiến Thắng, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Những người nào được quyền yêu cầu bồi thường oan sai do người thi hành công vụ gây ra, nhà nước bồi thường người bị oan sai trong những trường hợp nào? 

Trả lời:

  Người bị oan sai được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho những tổn hại về tinh thần và vật chất mà mình phải chịu. Từ ngày 01/07/2018, việc giải quyết bồi thường oan sai được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Người thiệt hại được định nghĩa là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do người thi hành công vụ gây ra.

Điều 5 Luật quy định người thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết, tổ chức thừa kế quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật… có quyền yêu cầu bồi thường.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường

Nhà nước bồi thường trong trường hợp sau:

Theo điều 18, nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:

 - Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ.

 - Người bị bắt, bị tạm giữ mà có quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

- Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

- Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, bị kết án tử hình, đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

- Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù được xác định không phạm tội.

- Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án oan…

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của những ông (bà) có tên sau:

1. Đơn đề nghị của tập thể các hộ dân tại khối 2, đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn về việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng khu tái định cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Nội dung trong đơn đề nghị của tập thể các hộ dân phần nơi gửi đã gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết là UBND phường Chi Lăng và UBND thành phố Lạng Sơn.

2. Đơn của ông Lường Văn Hiếu, trú tại xã Vân An, huyện Chi Lăng phản ánh về việc bị gây khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dục bắt buộc trở về địa phương.

Đơn của ông, chúng tôi đã chuyển đến UBND xã Vân An, huyện Chi Lăng để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.


  • Từ khóa