Lãi suất huy động tiếp tục "nóng"

Thứ 5, 13.10.2022 | 14:08:12
744 lượt xem

Lãi suất huy động (tiết kiệm) tiếp tục nóng lên ở các ngân hàng thương mại với mức cao nhất xấp xỉ 9%/năm

Ngày 12-10, một số ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng đi lên trong bối cảnh nhu cầu vốn cuối năm ngày càng tăng cũng như năm tới khi đến kỳ đáo hạn trái phiếu. Đáng chú ý, lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh và tăng mạnh hơn trong vài ngày qua.

Lãi suất ưu đãi

Mới nhất là NH TMCP Sài Gòn (SCB) vừa triển khai chương trình "Thêm ưu đãi - Mãi gắn kết" cho khách hàng gửi tiền tại quầy. Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình (từ ngày 12-10 đến 31-10), khách gửi tiền tại SCB sẽ được tặng coupon lãi suất 0,5% theo tất cả hình thức lĩnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng.

Hiện lãi suất tiền gửi áp dụng tại quầy của SCB kỳ hạn 11 tháng có lãi suất cao nhất là 8,4%/năm. Khi tính thêm coupon lãi suất, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi lên tới 8,9%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online, khách hàng của SCB cũng được hưởng mức lãi suất cao nhất 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Ghi nhận trong ngày 12-10, các điểm giao dịch của SCB trên toàn quốc, số khách hàng đến gửi tiền tăng lên và NH này khẳng định bảo đảm chi trả đầy đủ các khoản tiền gửi của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với SCB, NH TMCP An Bình (ABBANK) thông báo từ nay đến ngày 31-12, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại NH sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lên tới 8,6%/năm. Cụ thể, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống của ABBANK theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng được hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Mức lãi suất huy động trên 8%/năm cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các NH thương mại cho những kỳ hạn gửi dài. Như tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng từ ngày 11-10 đã tăng lên 7,5%/năm; kỳ hạn 36 tháng lên 7,3%/năm, mức tăng lên tới 0,8 điểm % so với trước đó. Nếu gửi tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 8%/năm và kỳ hạn cao nhất từ 17-36 tháng cũng lên tới 8,4%/năm.

Tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mức lãi suất 8%/năm cũng xuất hiện khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng và khoản tiền gửi từ 3 tỉ đồng trở lên.

Áp lực từ trái phiếu?

Lãnh đạo một NH thương mại lớn có trụ sở chính tại Hà Nội cho hay có rất nhiều lý do làm cho lãi suất trong các ngày gần đây tăng nóng. Khách hàng rút tiền để sử dụng vào dịp cuối năm. Nhiều tổ chức tài chính phải thanh toán hoặc chuẩn bị thanh toán trước hạn trái phiếu do chính mình phát hành.

Đặc biệt, không ít NH thương mại phải chuẩn bị cho giai đoạn 2023-2024 có thể chưa thu hồi đúng hạn được hàng chục ngàn tỉ đồng cho vay qua việc mua trái phiếu DN, dẫn đến khó khăn về vốn. Điển hình như NH TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vừa thông báo sẽ dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán khoảng 343 tỉ đồng trái phiếu do NH này phát hành.

Vài tháng trước, NH TMCP Phương Đông (OCB) cũng mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 200 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thanh toán trước hạn gói trái phiếu 155 tỉ đồng. NH TMCP Tiên Phong thanh toán xong hai gói trái phiếu có tổng giá trị 1.800 tỉ đồng (có thời gian đáo hạn vào năm 2023 và 2024). NH TMCP Quân đội mua lại 1.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 4-2023….

Đáng chú ý một NH cỡ lớn có trụ sở chính tại Hà Nội vừa tăng lãi suất tiết kiệm khá mạnh, cho thấy NH này đang nỗ lực huy động tiền gửi để bổ sung nguồn vốn, sau khi đã cho vay khá nhiều thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp (DN). Cụ thể, đến hết tháng 6-2022, báo cáo tài chính bán niên năm 2022 của NH này chỉ ra tổng dư nợ cho vay thông qua việc mua trái phiếu là 96.000 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay trái phiếu DN là 74.000 tỉ đồng, chiếm hơn 11% trên tổng tài sản 623.000 tỉ đồng; dư nợ cho vay trái phiếu Chính phủ 22.000 tỉ đồng.

Lãi suất huy động tiếp tục nóng - Ảnh 1.

Nhu cầu vốn cuối năm đã khiến nhiều ngân hàng thương mại liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao. Ảnh: TẤN THẠNH

Với thông tin này, chuyên gia tài chính TS Lê Đạt Chí nhận định ở trường hợp của NH nói trên, với khoảng 74.000 tỉ đồng mua trái phiếu DN, nếu đến thời điểm thanh toán các DN phát hành gặp khó khăn thì nguồn vốn NH này sẽ gặp trục trặc. Vì thế, khi nhiều NH khác tăng lãi suất tiền gửi buộc NH trên cũng phải tăng theo nhằm giữ chân khách hàng, bảo đảm nguồn vốn hoạt động trong tương lai.

Báo cáo về thị trường trái phiếu DN quý III/2022 của phát hành, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND Research) cho thấy tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý IV năm nay sẽ đạt mức hơn 58.800 tỉ đồng, tăng 87,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tỉ lệ trái phiếu DN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 34,1%, 32,9% và 33%. Con số này thống kê từ các đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và không bao gồm các DN phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.

Sức ép lên lãi suất cho vay

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định động thái tăng lãi suất huy động của nhiều NH thương mại những ngày qua nhằm thu hút thêm dòng tiền gửi tiết kiệm từ thị trường và giảm bớt tâm lý lo ngại của khách hàng trong bối cảnh nhiều tin đồn tiêu cực tác động. Đồng thời, có xu hướng người gửi tiền chuyển tiền sang NH thương mại lớn để an toàn cũng khiến cuộc đua lãi suất thêm nóng.

"Dù lãi suất huy động tăng sẽ tạo sức ép lên lãi suất cho vay nhất là trong bối cảnh nhu cầu vốn rất lớn và hạn mức (room) tín dụng không còn nhiều nhưng Chính phủ và NH Nhà nước yêu cầu phải kiểm soát ổn định lãi suất cho vay để phục hồi kinh tế và hỗ trợ DN. Do đó, các NH sẽ phải xoay xở linh hoạt hoặc tìm kiếm lợi nhuận ở các phân khúc khác, thay vì lợi nhuận chính đến từ cho vay" - TS Huân nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mối quan tâm của DN thời điểm này không hẳn là lãi vay mà chính là việc tiếp cận được vốn tín dụng thế nào trong bối cảnh room hạn chế. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho hay các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác. 

Nếu NH Nhà nước nới room tín dụng thêm 1%-2% nữa thì sẽ có thêm khoảng trên dưới 200.000 tỉ đồng được bổ sung vào nền kinh tế để giải "cơn khát vốn", trong đó có bất động sản. Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư và người mua nhà đều mong muốn tiếp tục được vay tín dụng dù phải chịu lãi suất vay cao hơn trước.


Thái Phương - Thy Thơ/nld.com.vn

https://nld.com.vn/kinh-te/lai-suat-huy-dong-tiep-tuc-nong-2022101222234695.htm

  • Từ khóa