Trả lời bạn xem truyền hình ngày 18/10/2022

Thứ 3, 18.10.2022 | 08:46:59
855 lượt xem

Câu 1. Ông Nông Văn Thông, trú tại xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình hỏi: Nhà nước quy định như thế nào về chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trả lời:

Chính phủ đã ban hành Quyết định 370/QĐ-TTg ngày 3/4/2018 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người dân được mua nhà hoặc sửa chữa, xây dựng nhà ở.

Theo đó, để được vay vốn từ gói tín dụng lãi suất ưu đãi 4,8%/năm này, các đối tượng vay vốn phải đáp ứng đủ 5 điều kiện: 

Thứ nhất, phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.

Thứ hai, có đủ vốn tự có, tối thiểu 20% giá trị hợp đồng mua bán hoặc thuê mua nhà ở xã hội đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; tối thiểu 30% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành đối với vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Thứ ba, có đủ hồ sơ chứng minh về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện cư trú, thu nhập để được hưởng chính sách nhà ở xã hội. 

Thứ tư, có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội . 

Thứ năm, có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Mặt khác, đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội cần có hợp đồng mua, thuê với chủ đầu tư dự án. Lưu ý, dự án của chủ đầu tư đó phải có trong danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội thuộc chương trình, kế hoạch đầu tư của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với vay vốn để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở phải có sổ đỏ; có thiết kế, dự toán hoặc phương án tính toán giá thành theo quy định pháp luật về xây dựng. Hạn mức vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở: tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án tính toán giá thành và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay tối thiểu 15 năm và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

 Trường hợp người vay vốn có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn sẽ thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay trực tiếp tại trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện.

Câu 2. Ông Nguyễn Ngọc Nam, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: pháp luật quy định như thế nào về xử lý xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác trên mạng xã hội?

Trả lời:

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền nhân thân của mỗi cá nhân và được pháp luật bảo vệ. Mỗi cá nhân đều có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình khi bị các chủ thể khác xâm phạm.

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín theo quy định của Bộ luật dân sự như sau:

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

          - Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

          Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu:

          + Vợ, chồng hoặc con thành niên;

          + Trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

          - Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.

          Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

          - Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

          - Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

          - Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

          - Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

          - Thiệt hại khác do luật quy định.

          - Bồi thường tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định

Quy định xử phạt hành chính đối với người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tính của người khác

          - Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ) quy định xử lý đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội như sau:

          + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

          + Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân theo khoản 4 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

          Nếu có hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt với mức phạt:

          + Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức;

          + Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân theo khoản 4 Điều 4 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

          Ngoài ra, tổ chức vi phạm quy định trên còn có thể buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Quy định xử lý hình sự

Theo quy định Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội làm nhục người khác như sau:

          - Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;

          - Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với:

          + Phạm tội 02 lần trở lên;

          + Đối với 02 người trở lên;

          + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

          + Đối với người đang thi hành công vụ;

          + Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

          + Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

          + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

          - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

          + Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

          + Làm nạn nhân tự sát.

          Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nhắn tin: Trong tuần vừa qua chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của ông Lăng Văn Tét, trú tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc thắc mắc về việc yêu cầu Công ty Cổ phần khu Trung chuyển Lạng Sơn bồi thường thiệt hại hoa màu trên diện tích đất của ông. 

Đơn của ông chúng tôi xã chuyển đến UBND xã Phú Xá, huyện Cao Lộc để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

  • Từ khóa