Trả lời bạn xem truyền hình ngày 25/10/2022

Thứ 3, 25.10.2022 | 10:06:54
916 lượt xem

Câu 1. Ông Triệu Tiến Huy, trú tại xã Tân Yên, huyện Tràng Định hỏi: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn, sau khi sinh con, người mẹ bỏ đi, để lại con nhỏ cho người bố trực tiếp nuôi dưỡng. Nay việc khai sinh cho con được thực hiện như thế nào?

Trả lời: 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì: “Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con”.

Khoản 1 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp; người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp”.

Căn cứ các quy định nêu trên, ông có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, con tại UBND xã Tân Yên. Thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 15; khoản 1 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP và quy định của pháp luật hộ tịch có liên quan. Cụ thể do Công chức Tư pháp-hộ tịch xã hướng dẫn.

Câu 2. Bà Hoàng Thị May, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng hỏi: Bà thuộc hộ nghèo, sống đơn thân và là người khuyết tật, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bà muốn biết ngoài chế độ trợ cấp đang hưởng, bà có được hưởng trợ cấp thêm chế độ trợ cấp đối với người cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa không?

Trả lời:

Chế đội trợ cấp xã hội hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 20 /2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cụ thể như sau:

1. Về chế độ trợ cấp đối với Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Hiện nay bà đang hưởng mức trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng là 540.000 đồng (Hệ số 1,5 x 360.000 đồng) là đúng quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ

2. Về chế độ trợ cấp đối với người cao tuổi: Tại Khoản 5, Điều 6 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy đã quy định các đối tượng sau được hưởng trợ cấp xã hội như sau:

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

-  Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

-  Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Theo thư bà trình bày, bà có con gái đã đi lấy chồng, tuy nhiên vẫn phải có nghĩa vụ phụng dưỡng mẹ theo quy định của pháp luật (nếu không thuộc đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội) và hiện nay bà chưa đủ tuổi để thay đổi mức trợ cấp xã hội hàng tháng. 

3. Về việc có được hưởng thêm chế độ trợ cấp khác: Tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 20 /2021/NĐ-CP đã quy định “Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức theo các hệ số khác nhau quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất”. Do đó bà không thuộc đối tượng được hưởng thêm mức trợ cấp khác.

Câu 3. Ông Lục Văn Nam, trú tại xã Văn An, huyện Văn Quan hỏi: Di sản dùng vào việc thờ cúng thì có được chia thừa kế không? pháp luật quy định như thế nào về di sản dùng vào việc thờ cúng?

Trả lời: 

Pháp luật thừa nhận và bảo hộ quyền lập di chúc của công dân. Tuy nhiên, nội dung di chúc phải dựa trên các quy định pháp luật, tuân thủ các điều kiện của pháp luật mới có hiệu lực. Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền để lại di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: "Di sản dùng vào việc thờ cúng:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theothỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."/. 

  • Từ khóa