Góc khuất của ngành công nghệ bán dẫn Trung Quốc

Chủ nhật, 04.10.2020 | 14:38:56
425 lượt xem

Trung Quốc rót tiền vào ngành công nghệ bán dẫn nhằm chạy đua với Mỹ, nhưng chưa đầy một năm, 6 dự án lớn của nước này đã phá sản.

"Nếu không có chất bán dẫn, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc công nghệ. Các doanh nghiệp lớn nhất nước này cũng không thể tự duy trì nếu không có năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất linh kiện bán dẫn", CNBC dẫn lời Dan Wang, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh.

Để bớt phụ thuộc vào phương Tây, Trung Quốc đã bắt đầu kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của riêng mình. Trong chiến lược "Make in China 2025", chính quyền Bắc kinh đặt mục tiêu tự sản xuất 40% nhu cầu sản phẩm bán dẫn trong nước vào năm 2020 và nâng lên 70% vào năm 2025.

Tuy nhiên, mọi thứ đang không như kỳ vọng. Trong một năm, liên tiếp sáu dự án bán dẫn quy mô hàng chục tỷ nhân dân tệ tại năm tỉnh: Giang Tô, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Quý Châu và Thiểm Tây lần lượt đóng cửa. Ngành công nghệ bán dẫn của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại, chứ không chỉ là những cấm vận gia tăng từ phía Mỹ.

Coe dại mọc hai bên đường vào nhà máy Dekama Nam Kinh. Ảnh: Pan Ye.

Cỏ dại mọc hai bên đường vào nhà máy Dekama ở Nam Kinh. Ảnh: Pan Ye.

Theo Newsweek, ngành công nghệ bán dẫn có những đặc thù riêng với những khoản đầu tư lớn, chu kỳ dài và rủi ro cao. Trung Quốc bắt đầu khá muộn nhưng lại muốn nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Điều này dẫn đến một hệ quả không thể tránh khỏi là không kiểm soát được phương hướng phát triển. Cộng thêm nền tảng yếu kém, các dự án này buộc phải "đắp chiếu" sau vài năm khởi động sôi nổi.

Một ngày đầu thu, Liao Wang, phóng viên của Newsweek tìm đến nhà máy bán dẫn Dekama tại Khu phát triển kinh tế và công nghệ Nam Kinh. Trong xưởng, cỏ dại mọc um tùm, những chỗ khác đang trong quá trình xây dựng dở dang. Theo kế hoạch, nhà máy tiềm năng này được đầu tư 3 tỷ USD nhưng giờ thành một dự án nhỏ "nửa vời" với các khoản nợ lương, thanh toán kỹ thuật và các khoản vay.

Dekama Nam Kinh được thành lập vào tháng 12/2015, dự kiến sản xuất chip quản lý nguồn, chip hệ thống cơ điện vi mô... Giai đoạn đầu tư ban đầu khoảng 2,5 tỷ nhân dân tệ nhưng vốn thực tế lại ít hơn rất nhiều - 250 triệu nhân dân tệ. Sau đó, do điều kiện cổ đông thay đổi, đơn vị khác tiếp quản dự án và tìm mọi cách để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên 2,5 tỷ nhân dân tệ là số vốn quá lớn và những điều kiện hợp tác phức tạp liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ khiến dự án vẫn chưa thể tìm được nhà đầu tư thích hợp.

Li Ruiwei, người đại diện theo pháp luật của Dekema Nam Kinh, giờ đây gần như không thể kêu gọi đầu tư. Người này đã nhiều lần phớt lờ lệnh triệu tập của toà án, bị hạn chế tiêu dùng ở mức độ cao và hạn chế xuất cảnh.

Cách đó gần 200 km về phía Tây, tại Khu công nghệ cao Thành Đô, Tứ Xuyên, nhà máy sản xuất vi mạch GlobalFoundries cũng đã ngừng hoạt động. Nhà máy với quy mô lớn này vẫn được bảo vệ túc trực bên ngoài nhưng bên trong không có người. Công ty được thành lập năm 2017 bởi GlobalFoundries, Mỹ. Vốn đầu tư theo kế hoạch là hơn 9 tỷ USD. Khi đó, đây là "cơ sở sản xuất lớn nhất và có công nghệ tiên tiến nhất thế giới".

Mặc dù chưa rơi vào cảnh hoang phế như GlobalFoundries, Ban điều hành của công ty TNHH Công nghệ bán dẫn Kuntong ở Thiểm Tây đã từ chức. Công ty đang gặp khó khăn nghiêm trọng, dù từng được kỳ vọng là ngôi sao sáng của thành phố.

Tại Hoài An, Giang Tô, dự án trọng điểm địa phương là Dehuai Semiconductor Co., Ltd. lại không thể khởi công. Khi mới thành lập năm 2016, công ty này lên kế hoạch tổng vốn đầu tư là 45 tỷ nhân dân tệ. Năm 2018, dự án bán dẫn Dehuai giai đoạn một chính thức đi vào sản xuất. Cuối năm 2019, nhân viên bắt đầu phải liên hệ cơ quan chính quyền để nhờ đòi lương từ công ty. Công ty hiện trong giai đoạn "lưng chừng", cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang thành lập các nhóm công tác liên quan với mong muốn hồi sinh dự án.

Tại quận Tân An, Quý Châu, "doanh nghiệp ngôi sao" trong quá khứ là Guizhou Huaxintong Semiconductor Technology Co., Ltd. trong tình trạng phá sản và thanh lý. Vào năm 2016, hàng tỷ USD được chính quyền tỉnh Quý Châu và đối tác Qualcomm của Mỹ đầu tư với mục tiêu sản xuất các bộ xử lý máy chủ. Sau ba năm hoạt động không hiệu quả, công ty tuyên bố đóng cửa.

Tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Công ty TNHH Sản xuất chất bán dẫn Wuhan Hongxin, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 128 tỷ nhân dân tệ, đang gặp khó khăn và đứng trước bờ vực phá sản. Tháng 12/2019, công ty đã tổ chức một buổi lễ hoành tráng đón chiếc máy cao cấp đầu tiên về nhà máy. Hiện nay, chiếc máy vẫn mới và chưa sử dụng đã được thế chấp cho ngân hàng.

Tòa nhà văn phòng của Huaxintong, Quý Châu không có người ra vào. Ảnh: Xiang Dingjie.

Tòa nhà văn phòng của Huaxintong, Quý Châu không có người ra vào. Ảnh: Xiang Dingjie.

Trong một thời gian dài, triển vọng của ngành công nghệ bán dẫn đã khơi dậy quyết tâm đầu tư trên khắp Trung Quốc. Nhiều địa phương đều rót nhiều tiền vào các dự án, các doanh nghiệp lớn cũng đầu tư, nhưng không thể thu lời. Khi các dự án ngừng hoạt động, hàng nghìn kỹ sư tài năng bơ vơ trong khi một số nơi khác thì thiếu hụt nhân tài.

Mặc dù các địa phương đang nỗ lực hồi sinh các dự án, nội tại của ngành công nghệ bán dẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, khó xử lý.


Kim Cương/vnexpress.net

https://vnexpress.net/goc-khuat-cua-nganh-cong-nghe-ban-dan-trung-quoc-4170719.html

  • Từ khóa