Sạt lở, sụt lún “bủa vây” miền Tây

Thứ 7, 30.05.2020 | 14:34:14
774 lượt xem

Tuy mới bước vào đầu mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở ven sông, rạch ở vùng ĐBSCL đã liên tục báo động với những dấu hiệu nguy hiểm.

Hiện nay, tuy mới  bước vào đầu mùa mưa nhưng tình trạng sạt lở ven sông, rạch ở vùng ĐBSCL đã liên tục báo động với những dấu hiệu nguy hiểm. Chính quyền và người dân các địa phương cần có những giải pháp khả thi để khắc phục và phòng ngừa sạt lở có hiệu quả; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Ngày  27/5 vừa qua, khoảng 40m đường Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị sạt lở. Hơn 1/3 mặt đường đã bị sụp xuống sông Hậu, đe dọa đến sự án toàn của 81 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân phải di dời khẩn cấp. 

sat lo, sut lun
Tỉnh An Giang vừa xảy ra điểm sạt lở nghiêm trọng tại quốc lộ 91(cũ).

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông rạch. Nghiêm trọng nhất là 1 điểm sạt lở lớn tại Thị xã Tân Châu, 3 điểm huyện An Phú, 2 điểm huyện Chợ Mới, 5 điểm huyện Châu Phú, với chiều dài sạt lở khoảng 380m, ảnh hưởng đến 48 căn nhà của người dân; trong đó có 1 căn nhà sụp xuống bờ sông. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng thiệt hại về đất và tài sản của người dân ở mức cao. Người dân sống ven sông, nhất là các điểm “nóng” sạt lở ở tỉnh An Giang hiện nay đang lo ngại vì sạt lở có thể tiếp diễn khi vào mùa mưa bão, triều cường. 

sat lo, sut lun

Một điểm sạt lở "hàm ếch" vừa xảy ra tại Kênh 28 thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

“Từ khi sạt lở đến bây giờ, cuộc sống ở đây rất khó khăn. Khi sạt lở, người dân rất hoang mang, lo sợ. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương lên phương án di dời 15 hộ trong khu sạt lở này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì”- ông Nguyễn Văn Bờ, người dân ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú có nhà gần khu vực sạt lở chia sẻ. 

Thống kê của các ngành chức năng tỉnh An Giang, hiện nay toàn tỉnh có 52 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài gần 170 km; trong đó, các đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (Thị xã Tân Châu), đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú). Tại thành phố Long Xuyên có hai điểm được cảnh báo gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng và đoạn sông Hậu chảy qua các phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình, đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An, huyện Phú Tân…

sat lo, sut lun
Đoạn sạt lở dài hàng chục mét tại Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, với tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn bất thường như hiện nay, nhất là chuẩn bị vào mùa mưa bão, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trên địa bàn tỉnh được cảnh báo rất cao. Để chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế sạt lở trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục theo dõi, quan trắc sạt lở 02 đợt/năm và quan trắc đột xuất ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; cảnh báo tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh để chính quyền địa phương, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây các dự án khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở. 

sat lo, sut lun
Sụt lún đất tại tỉnh Cà Mau.

“Có 3 đối tượng cần phải quan trắc; đối tượng thứ nhất là nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, mình phải quan trắc tương đối thường xuyên, thậm chí là bố trí công nghệ theo dõi tự động để có diễn biến là báo cho dân. Một vấn đề hết sức quan trọng đó là di dời ổn định dân cư, đây là nhu cầu rất lớn, cần rà soát lại một lần nữa nhu cầu tái định cư đối với hộ dân trong vùng bị sạt lở, trong đó có nhóm cấp bách và nhóm lâu dài, từ đó sẽ định ra được khu vực có thể bố trí di dời tái định cư cho người dân một cách an toàn”- ông Trần Anh Thư cho biết thêm.

Tại tỉnh Tiền Giang ngoài 100 điểm sạt lở lớn trước đây đã và đang khắc phục thì đã có hàng chục điểm sạt lở lớn; trong đó tập trung nhiều ở hệ thống sông, rạch tại các huyện phía Tây như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Riêng vùng ngọt hóa Gò Công cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở  nghiêm trọng tại Thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây.

Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do mật độ phương tiện lưu thông quá cao và thay đổi dòng chảy. Đối với vùng ngọt hóa Gò Công, do thủy triều thấp, sự chênh lệch cao trình mực nước dẫn đến sụp lở đất ven bờ. Tại kênh 28, thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè vừa xảy ra đoạn sạt lở dài gần 30m, thủy triều xâm thực 6m, cắt đứt đường giao thông. 

"Kênh 28 từ trước đến nay bị sạt lở rất nhiều. Đề nghị cơ quan nhà nước làm hoàn chỉnh bờ kè dọc hết tuyến để cho dân đi và phục vụ du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp"- Anh Nguyễn Hữu Vinh, người dân xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè lo lắng.

sat lo, sut lun
Khắc phục sạt lở ven sông Phú Phong thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Đối với hàng chục điểm sạt lở ven kênh, rạch ở vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang nếu không khắc phục kịp thời sẽ tái diễn và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp nước và tiêu nước phục vụ sản xuất của người dân. Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang nêu rõ, hiện có một số tuyến kênh, sạt lở hết 1/3 tuyến, do đó sẽ ảnh hưởng đến lưu thông dòng nước.

"Địa phương đang có kế hoạch để nạo vét. Công ty đề xuất những đoạn sạt lấp lòng kênh phải khai thông chỗ đó trước, còn những phần trên bờ sẽ xử lý sau. Sạt lở mà không khắc phục thì mưa xuống sẽ ảnh hưởng tiếp”- ông Đỗ Thành Sơn cho biết.

Đối với tỉnh Cà Mau, vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, tình trạng sụp lún đất hiện rất đáng báo động. Vào tuần trước trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) xảy ra sụp lún đất làm hư hỏng hoàn toàn mặt đường lộ ngang khoảng 6m dài khoảng 39m, với vị trí sâu nhất hơn 3m. Đây là vụ sụp lún thứ 10 xảy ra trên địa bàn xã Khánh Bình Tây kể từ cuối tháng 2 đến nay. Ngay khi vụ việc xảy ra, Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Cà Mau cử lực lượng xuống hiện trường, thực hiện rào chắn khu vực sụt lún và cắm biển cảnh báo, đảm bảo an toàn giao thông.

Về nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ sụt lún trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua, ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Cà Mau cho biết, mùa khô năm nay đã làm hệ thống kênh thủy lợi trong vùng ngọt của tỉnh bị cạn kiệt hoàn toàn. Bên cạnh việc bị mất phản áp từ nước, nền đường bị nắng hạn làm cho co ngót, tạo ra những cung trượt rất dễ gây sụt lún, sạt lở. Đặc biệt, trên nhiều tuyến đường trong vùng ngọt của tỉnh đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, khi mùa mưa đến có nguy cơ bị thiệt hại tiếp tục. 

"Đất của vùng mình là đất bùn, khi nắng hạn co ngót rất lớn, tạo ra độ rỗng dưới nền đường. Nguyên tắc mặt đường của mình nó phải kín, còn bây giờ có những cái khe, khi mưa xuống thì nước chảy xuống phá hủy luôn nền đường. Nước thấm vô những khe nứt đẩy đất xuống và rất dễ gây thiệt hại"- ông Lê Thành Huấn cho biết.

Cũng theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh  đã xảy ra hơn 1.160 vụ sụp lún, sạt lở làm hư hỏng hàng loạt công trình giao thông, với tổng chiều dài đường bị hư hỏng đã hơn 25 km.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ… cũng đang xảy ra nhiều điểm sạt lở, sụp lún đất ven sông rạch đang được chính quyền, các ngành chức năng và người dân tích cực khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác khắc phục và ngăn ngừa sạt lở ven sông rạch vùng ĐBSCL là thiếu nguồn kinh phí. Đặc biệt, những điểm sạt lở kiểu ” hàm ếch”  để khắc phục phải có đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Do đó, các địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cần quan tâm, xem xét sớm hỗ trợ vùng ĐBSCL nguồn kinh phí cho công tác khắc phục sạt lở để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân./.


Nhật Trường- Phan Ánh- Trần Hiếu/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/sat-lo-sut-lun-bua-vay-mien-tay-1053793.vov

  • Từ khóa