Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ 5, 06.08.2020 | 08:14:10
641 lượt xem

Hiện nay, nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Bên cạnh mặt thuận lợi, những người “gánh” hai vai này gặp không ít khó khăn trong quá trình đảm đương nhiệm vụ.

Ông Hoàng Xuân Đình, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Gia chia sẻ: Được tổ chức phân công đảm nhận hai chức danh này, tôi thấy  bên cạnh có những thuận lợi nhất định cũng nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, 2 trụ sở của 2 đơn vị độc lập nên hằng ngày, tôi phải nắm tình hình công việc ở cả 2 nơi. Tương tự, khi cán bộ, chuyên viên 2 đơn vị có việc cũng phải chủ động sang tìm gặp tôi để trao đổi. Công tác dân vận và MTTQ tuy có nhiều nội dung, góc độ liên quan nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực lại mang tính độc lập. Khối lượng công việc của tôi vì thế nhiều hơn khiến công tác chỉ đạo, điều hành nhiều khi không kịp thời, chất lượng công việc vì thế bị ảnh hưởng.

Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng Ban Dân vận, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn (người ngồi) chủ trì hội nghị phản biện dự án tu bổ di tích khảo cổ học Mai Pha

Cùng tâm sự trên, bà Dương Lệ Mỹ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Văn Lãng bày tỏ: Do đảm nhận vai trò người đứng đầu 2 cơ quan, tổ chức, khối lượng công việc tương đối lớn, số lượng cuộc họp nhiều, có lúc chồng chéo giữa công việc của 2 đơn vị. Có công việc tôi vừa là người tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai, đồng thời cũng là người trực tiếp thực hiện, không có người giám sát, kiểm tra…

Hiện nay, toàn tỉnh có 7/11 huyện, thành phố đang thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ theo tinh thần Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Việc này nhằm cụ thể hóa chủ trương sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Dương Văn Vịnh, Trưởng Ban Tổ chức – Tuyên giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Qua khảo sát thực tế tại một số đơn vị cũng như qua các hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của những người đảm nhận chức danh Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện. Khó khăn chung mà các đồng chí phản ánh là khối lượng công việc nhiều, ít có thời gian đi cơ sở; trụ sở và thiết bị làm việc độc lập. Ngoài việc chỉ đạo công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, họ còn phải tham gia các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác; công tác điều hành, quản lý, quán xuyến công việc có lúc không được sâu sát, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

Trước thực tế đó, tháng 3/2020, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kiến nghị với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Không bố trí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đối với các tỉnh, huyện miền núi. Đối với những nơi có điều kiện như địa bàn dân cư tập trung (đồng bằng, thành thị), nếu phân công thì cần xem xét, lựa chọn những người có tâm huyết, có khả năng bao quát, điều hành công việc thì hoạt động mới hiệu quả.

Tại hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố năm 2020 diễn ra ngày 8/7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Bộ Chính trị đã họp và ban hành kết luận đề nghị không mở rộng thí điểm mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ để tiến hành sơ kết, tổng kết…


DƯƠNG DUYÊN/baolangson.vn

http://baolangson.vn/chinh-tri/303291-truong-ban-dan-van-dong-thoi-la-chu-tich-mttq-nhieu-kho-khan-can-thao-go.html

  • Từ khóa