Anti-car - thiết kế ôtô đi ngược truyền thống

Thứ 6, 22.05.2020 | 15:23:22
685 lượt xem

Các hãng xe mới đang đưa ra kiểu thiết kế không nằm trong chuẩn dành cho ôtô từ trước tới nay, thậm chí phủ định cả khái niệm sở hữu xe.

Ở thung lũng Silicon, việc hé lộ các sản phẩm công nghệ mới mang tính cách mạng không phải điều gì xa lạ. Vào một chiều thứ bảy đầu năm nay, tám người kiểm thử beta (người dùng thử sản phẩm công nghệ trước khi phát hành) tập trung trải nghiệm một thiết bị điện tử hoàn toàn mới: một màn hình kỹ thuật số gắn tràn táp-lô, từ cột này sang cột kia. Một sản phẩm trên xe của Byton, hãng ôtô Trung Quốc.

Chiếc SUV Byton M-Byte thuần điện này sẽ ra mắt ở Trung Quốc trong năm nay trước khi tới Mỹ vào 2021. Điểm đáng chú ý của xe là M-Byte Stage, tên gọi của màn hình rộng 9,5 inch, dài 1,2 m, biến việc ngồi ôtô thành một trải nghiệm giải trí cấp độ mới.

Từ xưa đến nay, các nhà thiết kế ôtô khi đặt bút phác họa một mẫu xe mới đều bắt đầu từ một đường nét thân xe gợi cảm. Nhưng Byton đã thay đổi quá trình thiết kế một cách toàn diện. "Từ ngày đầu tiên, mọi thứ trên M-Byte được thiết kế xoay quanh cái màn hình", Florian Baur, giám đốc quản lý sản phẩm của Byton, hãng start-up Trung Quốc có văn phòng kỹ sư cách không xa trụ sở Apple, nói. 

Màn hình cỡ lớn trải dài trên táp-lô của mẫu Byton. Ảnh: Inside EVs

Màn hình cỡ lớn trải dài trên táp-lô của mẫu Byton. Ảnh: Inside EVs

Ngoài màn hình kỹ thuật số chiếm trọn bảng điều khiển, mẫu SUV điện của Byton có màn hình cảm ứng tích hợp vào vô-lăng, một máy tính bảng ở giữa hàng ghế trước, hai màn hình nữa ở phía sau tựa đầu cho người xem ở hàng ghế thứ hai. Những gì hiển thị trên các màn hình được điều khiển bởi tổ hợp gồm giọng nói, nút cảm ứng, cử chỉ, các nút cứng và chuyển động mắt của tài xế do camera bắt được.

"Giờ thì bạn có thể giẫm nát cái điện thoại được rồi", Daniel Theade, một trong các tình nguyện viên thử nghiệm, thợ lắp ráp chuyên nghiệp trong thị trường ôtô điện, nói.

"Tôi sẽ không cần phải lôi cái màn hình nhỏ xíu này ra khi ở đây nữa", anh nói, chỉ vào điện thoại. "Giờ bạn ngồi trong ôtô, và sẽ thấy như ngồi trước một ma trận".

M-Byte cũng có đầy đủ đặc điểm của một chiếc ôtô, với công suất 402 mã lực và tầm hoạt động gần 500 km trong một lần sạc. Xe do Benoit Jacob, nhà thiết kế cao cấp của Byton, từng giữ vai trò tương tự ở phân nhánh xe điện BMW i, thiết kế.

Ở BMW, ông từng thiết kế i8, mẫu xe thể thao lai điện với cửa cánh bướm, xuất hiện trong "Nhiệm vụ bất khả thi: Chiến dịch ma" cùng Tom Cruise. Nhưng với vẻ ngoài của M-Byte, Jacob tỏ ra khá tiết chế.

"Chúng tôi không cố gắng tạo ra thứ gì đó thời trang quá", ông nói. "Điều khiến tôi thấy thú vị không nằm ở việc thiết kế ba-đờ-sốc hay hình bóng bên ngoài của chiếc xe, mà thay vào đó là bạn có thể thực sự làm những gì bên trong xe khi di chuyển?"

Nhà máy Byton ở Trung Quốc. Xe sẽ bán ra ở Trung Quốc trong năm nay, sau đó tới Mỹ năm 2021. Ảnh: Byton

Nhà máy Byton ở Trung Quốc. Xe sẽ bán ra ở Trung Quốc trong năm nay, sau đó tới Mỹ năm 2021. Ảnh: Byton

Byton đã chế tạo chiếc xe với táp-lô thấp và mỏng để chừa chỗ cho màn hình kiểu màn ảnh rộng không cản trở tầm nhìn của tài xế. Việc thử nghiệm độ an toàn hiển nhiên là cần thiết. Một bộ phim hay nội dung nào đó có thể được chiếu gần như toàn màn hình khi xe đang đỗ, nhưng nó sẽ tạm ngưng khi bánh xe bắt đầu lăn – hoặc tắt hẳn khi camera phát hiện ra tài xế đang cố xem tiếp.
Byton chế tạo một phòng thử nghiệm người dùng tương tự với rạp chiếu phim ngoài trời dành cho một người, nhằm đánh giá bao nhiêu nội dung sẽ được đưa ra trong tình huống nào đó. "Khi giả lập tài xế, chúng tôi phải lái xe chạy qua một thành phố", Andre Nitze-Nelson, giám đốc sản phẩm kỹ thuật số tương lai của Byton, nói. "Chúng tôi thử hết các thứ và ngộ ra rằng quá là phức tạp, quá nhiều thứ cần phải nhớ".

Trong buổi chiều thử nghiệm đó, Theade, một người mê mẩn Byton nhưng còn nhiều bỡ ngỡ, đã gặp khó khăn khi tìm nút tạm dừng một bài nhạc. Nhưng anh ca ngợi chiếc xe có khả năng hiển thị các cuộc hẹn trong ngày của anh và có thể nảy ra các tiêu đề bài báo quan trọng trên màn hình lớn.

Giá trị Byton đã tăng khoảng 820 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2016. Hãng xe này dự kiến bán M-Byte với giá khởi điểm từ 45.000 USD tại Mỹ. 

"Ngành công nghiệp ôtô đang đứng trước thử thách phải đưa ra những giải pháp mới", nhà thiết kế Jacob của Byton cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Munich, nơi hãng ôtô này có studio thiết kế. "Nhưng không có nghĩa là ngành công nghiệp ôtô hiện nay chỉ có duy nhất một giải pháp".

Richard Kim, người trước đây cũng là nhà thiết kế của BMW, đã tạo ra ngoại hình tối tân của mẫu xe điện BMW i3, đã cho ra mắt một bản thiết kế xe chạy điện khác, trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Ở thời đại này, anh cũng đồng thời cưỡng lại sức hút mãnh liệt từ phong cách xe thể thao.

Hàng ghế trước và sau trông như nội thất trong phòng khách, Richard Kim nói về chiếc xe do anh thiết kế cho Canoo. Ảnh: The New York Times

"Hàng ghế trước và sau trông như nội thất trong phòng khách", Richard Kim nói về chiếc xe do anh thiết kế cho Canoo. Ảnh: The New York Times

"Thiết kế thực dụng thì hơi anti-car", anh thừa nhận. "Khách hàng thực sự sẽ nhận được gì từ một cái viền chắn bùn nhìn có vẻ hay hay ở bánh xe?".

Kim hiện là thiết kế trưởng ở Canoo, hãng start-up ở Los Angeles có kế hoạch giới thiệu mẫu xe mới được thiết kế như một "phòng chờ trên 4 bánh" vào năm sau. Mẫu xe này sẽ không được mua hay cho thuê – khách hàng chỉ có thể sử dụng qua hình thức đăng ký và phải trả một mức phí trọn gói.

Canoo, trước đây có tên gọi Evelozcity, thành lập năm 2017 và được góp vốn bởi ba cá nhân. Hãng này không công khai tổng số vốn đầu tư của họ. Canoo có kế hoạch thông báo giá đăng ký sử dụng hàng tháng vào giữa năm 2021, khoảng 6 tháng trước khi ra mắt xe.

Mô hình kinh doanh của công ty này phục vụ lối sống của nhóm cư dân thành thị trẻ, những người vẫn muốn có xe cá nhân. "Tôi không sở hữu ôtô nữa. Tôi có một loạt các yêu cầu hoàn toàn khác. Và tôi vẫn mê xe", Kim nói.

Trong khi Byton quây hành khách trong xe bằng một loạt màn hình, Canoo cho rằng chiếc điện thoại có thể phục vụ như giao diện chính của xe. Khi được đặt trong hốc gần vô-lăng, điện thoại của bạn sẽ giống như Siri ở chế độ chờ các mệnh lệnh điều khiển bằng giọng nói để khóa và mở cửa, nhấn còi, điều chỉnh nhạc, hay hiển thị tầm hoạt động còn lại của chiếc xe điện.

Khác với điện thoại, chiếc Canoo còn không có màn hình. Một thanh gồm nhiều đèn LED với các chấm nhỏ như ma trận sẽ biểu thị xe đang ở số nào, tốc độ và các chức năng khi khẩn cấp. "Chúng tôi đã hoàn toàn đi tới trạng thái thiền", Kim nói.

Canoo có thiết kế hình con nhộng giúp tối đa hóa phòng chức năng bên trong. Ảnh: The New York Times

Canoo có thiết kế hình con nhộng giúp tối đa hóa phòng chức năng bên trong. Ảnh: The New York Times

Bởi Canoo là xe thuần điện, không cần đến khoang động cơ hay thậm chí ca-pô. Khung cửa sổ thấp phía trước đem đến cho hành khách tầm nhìn khum khum ra lòng đường. Tất cả những biện pháp này, và ngoại hình giống con nhộng của Canoo, sẽ tối đa hóa công dụng của phòng chức năng trong xe.

"Hàng ghế trước và sau trông như nội thất trong phòng khách", Kim cho hay. "Nếu bạn trở về nhà trên một chiếc đi văng và chỉ có một mình, bạn sẽ không muốn chỉ ngồi xuống và nhìn về phía trước. Bạn sẽ muốn được doãi hết cẳng chân và nằm dài trên ghế".

Vài tháng trước, tôi đã ngồi thử trong mẫu Canoo đầu tiên tại trụ sở của hãng ở Torrance, California. Đi cùng tôi là Ulrich Kranz, CEO của Canoo. Anh từng là giám đốc phụ trách nhánh i của BMW – cùng bộ phận nơi Kim và Jacob đang hình dung một mẫu xe đô thị của tương lai. Hơn một thập kỷ sau, tương lai đó cuối cùng cũng tới.

Hàng ghế trước về cơ bản có thể đảo ngược được. Khi bạn đẩy nhẹ ghế trước về phía trước và gấp các mặt trước-sau của nó xuống – như khi bạn muốn sử dụng ghế phụ trên máy bay – toàn bộ cabin sẽ biến thành một không gian tụ tập. Điều hoà nhiệt độ được gắn trên trần, cũng giống như trên máy bay. Ulrich Kranz, CEO của Canoo thường xuyên tổ chức các cuộc họp bên trong mẫu xe nguyên bản.

Kranz giải thích công dụng của hệ truyền động điện thấp, phẳng của Canoo nằm dưới sàn. Ở BMW, hệ truyền động nằm bên dưới được xem là "mô-đun truyền động". Khoang hành khách gắn phía trên được gọi là "mô-đun sống". Canoo có kế hoạch sẽ dùng một dãy cabin, được thiết kế như xe trung chuyển hay xe đưa đón, hoặc dùng cho lĩnh vực kinh doanh chia sẻ xe. "Nó có thể được sử dụng cho toàn bộ các mục đích khác nhau", Kranz cho biết.

Ngay bên phải vô-lăng của Canoo là một giá để điện thoại di động. Ảnh: The New York Times

Ngay bên phải vô-lăng của Canoo là một giá để điện thoại di động. Ảnh: The New York Times

Các nhà thiết kế của Canoo và Byton M-Byte đều được đào tạo tại ArtCenter College of Design ở Pasadena, California, nơi Stewart Reed là trưởng khoa thiết kế phương tiện vận tải. Ngôi trường thanh thế này là cái nôi của những nhà thiết kế ôtô (và nay là phản ôtô) hàng đầu thế giới.

Reed, một người tôn thờ phong cách xe cổ điển, nói rằng sự trỗi dậy của các công nghệ truyền động, các phương pháp sản xuất và các giao diện kỹ thuật số khiến cho việc thiết kế ôtô ngày nay trở nên phức tạp và nhiều thử thách hơn. "Nhưng đó cũng chính là điều khiến công việc này thú vị", ông nói.

Reed cũng tin rằng danh sách dài các hãng start-up ôtô cuối cùng cũng đang phá vỡ sự đơn điệu trên lòng đường đầy những mẫu SUV crossover na ná nhau hiện nay.

"Tôi thuyết phục tất cả các thị hiếu, ngôn ngữ, văn hoá, các kiểu thể hiện cá nhân, các lựa chọn và tự do khác nhau", ông nói. "Tất cả những điều kể trên".
Trả lời cho hai phong cách khác nhau của Byton với nội thất công nghệ cao và Canoo với cabin như chuồng bồ câu, Reed gợi nhớ tới những chiếc xe ngựa kéo thời Victoria. Chúng được cá nhân hoá không gian riêng, được thiết kế cho các mục đích cụ thể và được chế tạo bởi những người thợ làm xe kéo chuyên nghiệp, các loại động cơ truyền động khác nhau chỉ được gắn vào sau này – còn thời đó là những con ngựa.

"Những điều xưa cũ đang sống lại", ông nói.


Mai Huyền/vnexpress.net

https://vnexpress.net/anti-car-thiet-ke-oto-di-nguoc-truyen-thong-4102974.html

  • Từ khóa