Dừng chương trình liên kết đào tạo không thực hiện đúng cam kết

Thứ 7, 26.11.2022 | 09:06:15
777 lượt xem

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 25-11 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định việc liên kết đào tạo với các nước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp cho các trường đại học được tiệm cần dần với các chương trình tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.

Dừng chương trình liên kết đào tạo không thực hiện đúng cam kết
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm chiều 25-11. 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới. 

Trước những băn khoăn về đối tác nước ngoài liên kết với các trường đại học Việt Nam có thực sự chất lượng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng tiêu chí về xếp hạng không phải là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn liên kết đào tạo, cũng không nằm trong quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tất cả các chương trình, bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo được mở ra tại các trường đều được kiểm định, bảo đảm theo các yêu cầu của luật và nghị định trên. Dự kiến, trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.

Dừng chương trình liên kết đào tạo không thực hiện đúng cam kết
GS Trần Thị Vân Hoa.

“Việc xếp hạng của các trường đối tác trên thế giới không phải là tất cả, bởi lẽ có những trường tốt nhưng không tham dự  bất kỳ bảng xếp hạng nào. Tại Việt Nam, việc nhiều trường xuất hiện trong các bảng xếp hạng là động lực để các đối tác chọn lựa liên kết tốt hơn, bởi lẽ, không trường nào muốn liên kết với trường kém hơn mình. Với 6 cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam được xếp hạng trên thế giới đã mở ra cơ hội cho chính các nhà trường trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học ở quốc gia khác”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nói.

Với kinh nghiệm thực tế từ một trường đại học, GS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, để liên kết đào tạo hiệu quả, Trường Đại học Kinh tế quốc dân triển khai năm nội dung. Đó là xây dựng quy chế quản lý đào tạo các chương trình quốc tế để cụ thể hóa các quy định trong Nghị định 86/2018/NĐ-CP thành những quy định, tiêu chí để lựa chọn đối tác, cũng như các điều kiện, các thủ tục để quản lý chương trình; thường xuyên rà soát và tái cấu trúc các chương trình liên kết quốc tế để bảo đảm các chương trình được kiểm định ở các môi trường, tổ chức uy tín và ưu tiên các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến; thường xuyên đánh giá công tác đào tạo để bảo đảm môi trường này đạt chuẩn quốc tế để ngày càng hoàn thiện hơn; tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên và xây dựng môi trường học thuật chuẩn quốc tế  để giảng viên và sinh viên nước ngoài đến học tập được tốt nhất.

Dừng chương trình liên kết đào tạo không thực hiện đúng cam kết
 PGS, TS Nguyễn Thu Thủy.

Trả lời câu hỏi chất lượng đầu vào thấp của các chương trình liên kết có ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình đào tạo không, PGS Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng theo xu hướng trên thế giới, các trường đào tạo có tiếng thường chú trọng thắt chặt đầu ra, hướng đi này nhằm bảo đảm cơ hội học tập cho người học.

Còn ở Việt Nam, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (ít nhất IELTS 5.5).

“Năng lực ngoại ngữ như vậy mới có thể học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh không qua phiên dịch. Với các điều kiện đầu vào này, tôi cho rằng, sinh viên Việt Nam khi cầm được các tấm bằng do các nhà trường liên kết đào tạo cấp là xứng đáng với năng lực của các em”, bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định. 

Liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết thêm, căn cứ vào kết quả kiểm tra hậu kiểm, chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo. Trong trường hợp đó, dĩ nhiên, người học không có lỗi, lỗi là ở các nhà trường, vì vậy, các em được tạo điều kiện để chuyển sang học các chương trình tương tự khác. 


THU HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/dung-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-khong-thuc-hien-dung-cam-ket-712124

  • Từ khóa