Hồng vành khuyên treo gió Toàn Thương: Nâng tầm nông sản địa phương

Thứ 7, 26.11.2022 | 09:05:50
2,516 lượt xem

Tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thời gian qua, cửa hàng nông sản Toàn Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng) đã đầu tư xưởng sản xuất và bước đầu thành công với sản phẩm hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản. Ngày 24/11, ý tưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió của cửa hàng đã được trao giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn” năm 2022 và được lựa chọn đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi ở cấp toàn quốc trong thời gian tới.

Chị Vương Thị Thương (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng), chủ cửa hàng cho biết: Hồng vành khuyên là cây trồng chủ lực của huyện cho sản lượng lớn mỗi năm. Tuy nhiên, đây là loại quả nhiều nước, khó bảo quản lâu, dễ bị dập khi vận chuyển đi xa nên tôi đã có ý tưởng chế biến quả hồng để khắc phục những hạn chế này. Đồng thời, góp phần nâng tầm sản phẩm, tăng giá trị, tạo đầu ra ổn định cho quả hồng. Từ năm 2017, tôi đã tự tìm hiểu và làm nhiều mẻ hồng vành khuyên treo gió nhưng đều thất bại. Không nản chí, tôi tiếp tục tìm hiểu, tham khảo và học hỏi thêm quy trình cũng như cách làm hồng treo gió trên mạng xã hội, sách, báo và ấp ủ ước mơ của mình.

Tháng 10/2021, chị Thương may mắn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh tạo điều kiện cho tham gia chuyến học tập kinh nghiệm về sản xuất hồng treo gió tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Trong một tuần, chị Thương đã thăm xưởng chế biến và được hướng dẫn, chia sẻ về kinh nghiệm cũng như quy trình sản xuất hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản. Sau khi trở về nhà, được sự hỗ trợ của Sở Công thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000 m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh và mua sắm thêm các máy móc, thiết bị như: máy gọt vỏ, máy hút chân không… với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng.


Chị Vương Thị Thương kiểm tra chất lượng sản phẩm hồng trên giàn treo

Chị Thương chia sẻ: Tưởng chừng có công thức và cơ sở vật chất thì việc sản xuất sẽ trở nên dễ dàng, nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Tôi đã “mất trắng” trên 1 tấn hồng bị mốc, hỏng, rụng cuống trong quá trình thử nghiệm do nguồn nguyên liệu quả, nhiệt độ, khí hậu của Lạng Sơn và Lâm Đồng khác nhau. Vừa làm, tôi vừa đúc rút kinh nghiệm và điều chỉnh công thức cho phù hợp. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, tôi đã sản xuất thành công sản phẩm hồng vành khuyên treo gió và bước đầu có sản phẩm đạt chất lượng để cung cấp ra thị trường.

Có dịp đến thăm xưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió (tại xã Thanh Long, huyện Văn Lãng) của cửa hàng Toàn Thương vào một ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi choáng ngợp và mê mẩn trước vẻ đẹp rực rỡ của những giàn hồng đang đung đưa trong gió. Những quả hồng màu vàng cam được gọt sạch sẽ, cột chặt bằng dây cước và treo thành từng giàn. Theo chị Thương, để có được sản phẩm hồng treo gió ngon, chất lượng và màu sắc đẹp đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ trong từng quy trình. Ngay từ khâu nguyên liệu, cần chọn những quả hồng to đẹp, vừa chín tới, không có vết sứt, sẹo hay bị thâm, dập quả. Sau đó, hồng được rửa sạch, hong khô và gọt vỏ (giữ nguyên cuống quả), rồi treo trong nhà kính. Nhà kính được thiết kế với các thiết bị đảm bảo giữ cho độ ẩm không khí, ánh nắng phù hợp.

Trong vòng 3 – 4 ngày đầu sau khi treo, hằng ngày những quả hồng sẽ được massage cho mềm. Treo đến ngày thứ 8, nếu thu hoạch sẽ cho ra sản phẩm hồng kem (vỏ còn mềm, ẩm) hoặc treo đến ngày thứ 12 sẽ cho ra sản phẩm hồng treo gió có vỏ ngoài se hẳn nhưng trong vẫn mềm. Sau khi đủ ngày, hồng được hạ giàn, đóng gói, hút chân không. Trung bình 1 tấn hồng tươi sẽ thu được khoảng 200 kg hồng treo gió thành phẩm với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg.


Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió

Từ đầu vụ hồng vành khuyên năm 2022 đến nay (thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm), cửa hàng Toàn Thương đã cung cấp ra thị trường được trên 500 kg hồng vành khuyên treo gió, sản xuất đến đâu bán hết đến đó với doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.

Sản phẩm hồng vành khuyên treo gió có những đặc trưng riêng so với các loại hồng treo gió trên thị trường bởi vị ngọt thanh, vỏ mềm hơn và giữ được mùi thơm tự nhiên của quả hồng, màu sắc đỏ đẹp hơn, do đó được nhiều khách hàng ưa thích lựa chọn.

Chị Triệu Thị Trang, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội cho biết: Giữa tháng 11, tôi đi hội chợ ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ và mua sản phẩm hồng vành khuyên treo gió của cửa hàng nông sản Toàn Thương tại gian hàng của tỉnh Lạng Sơn. Khi thưởng thức, tôi thấy món hồng treo gió của Lạng Sơn có vị khác biệt so với hồng treo gió Đà Lạt, có vị ngọt của mật, vỏ dai mềm, ruột hồng dẻo thơm vô cùng hấp dẫn và vừa miệng. Các thành viên trong gia đình tôi đều rất thích ăn.

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: Thời gian qua, sản phẩm hồng vành khuyên treo gió của cửa hàng nông sản Toàn Thương đã được huyện lựa chọn tham gia gian hàng của huyện tại các dịp trưng bày sản phẩm của địa phương, tại hội chợ… và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hướng tới xây dựng sản phẩm hồng vành khuyên treo gió là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến.

Bao tiêu sản phẩm cho 2 hợp tác xã và 10 hộ dân trồng hồng vành khuyên trên địa bàn, tạo việc làm cho 10 người lao động tại xưởng. Với những thành công bước đầu của sản phẩm hồng vành khuyên treo gió, cửa hàng đã góp phần nâng cao giá trị và quảng bá rộng rãi sản phẩm, từ đó nâng tầm sản vật của địa phương.


HOÀNG NHƯ - LIỄU CHANG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/543234-hong-vanh-khuyen-treo-gio-toan-thuong-nang-tam-nong-san-dia-phuong.html

  • Từ khóa