Nhớ lại một trận đánh

Thứ 3, 06.12.2022 | 15:43:24
1,175 lượt xem

“Địa bàn hoạt động của Q16 (sau này là Đoàn Bắc Sơn) chúng tôi (trực thuộc R (Trung ương Cục miền Nam)) hồi kháng chiến chống Mỹ là vùng Trảng Bàng, Dầu Tiếng, Bến Cát và Củ Chi, miền Đông Nam Bộ. Nhiệm vụ của Trung đoàn là án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, kiểm soát một đoạn đường quốc lộ 1A và đường 13; bám trụ, bám dân bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền ở vùng này. Chủ động tổ chức các trận đánh địch để gây tiếng vang và làm cho địch hoang mang, khiếp sợ, không dám ra lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Tháng 12/1973, đơn vị tôi được cán bộ R về thăm và nói chuyện thời sự. Diễn giả hôm đó là anh Nguyễn Thành Vân (tức Nguyễn Trọng Oánh) cán bộ Tuyên huấn Miền, nhà thơ, nhà văn, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Chỉ vài tiếng đồng hồ trong một buổi sáng mà chúng tôi được biết những sự kiện quan trọng đã và sẽ diễn ra ở trong và ngoài nước. Kết thúc buổi nói chuyện anh đọc bài thơ của anh vừa sáng tác, có nhan đề: “Tặng anh – Đoàn Bắc Sơn anh hùng”. Bài thơ đã nêu khái quát những chiến công của Trung đoàn chúng tôi, trong đó có chi tiết “B40 hạ máy bay”. Cả hội trường lại rộ lên những tràng pháo tay thay cho lời cảm ơn anh đã dùng văn nghệ để nói hộ chúng tôi với Đảng, với đồng bào cả nước lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Q16.

Cựu chiến binh Bùi Ba Ngọc

Trong lịch sử chiến tranh hiện đại, từ khi con người chế tạo ra loại súng B40 đến giờ, tôi và anh cũng như tất cả mọi người trên thế giới đều biết loại binh khí này chỉ dùng cho bộ binh đánh những mục tiêu ở mặt đất, chứ chưa thấy ai nói B40 hạ được máy bay bao giờ?

Chuyện thế này, đầu xuân 1973, nhận nhiệm vụ của Trung đoàn, đơn vị chúng tôi đến phục kích ở Bến Bò (còn gọi là Bến Bông Binh) thuộc xã Đôn Thuận, Trảng Bàng để chờ giang hạm địch đi tiếp viện cho các căn cứ của chúng ở Chi khu Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương mà diệt. Từ cứ Rừng Cầy đến điểm phục kích chưa đầy hai giờ đồng hồ, lúc chúng tôi tới là gần năm giờ sáng. Chúng tôi bố trí 3 tổ, gồm 9 chiến sĩ ra bờ sông phục kích. Còn lại ở phía sau dàn theo đội hình tác chiến đã định, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết. Vũ khí trang bị gồm: 1 khẩu B40, 1 khẩu B41, 1 Trung liên, còn lại là AK với đầy đủ cơ số đạn. Trước trận đánh chúng tôi đã được quán triệt phương châm: chủ động, bí mật, bất ngờ, chắc thắng, đồng thời cũng xác định tư tưởng: khi đã nổ súng là phải chấp nhận sự ác liệt sẽ diễn ra ngay tức khắc của các loại hỏa lực từ các căn cứ, các hướng của địch bắn về để hỗ trợ cho nhau, đặc biệt là những loạt pháo chùm, pháo bầy từ căn cứ Đồng Dù, Bến Cát, Dầu Tiếng bắn sang và còn có thể cùng một lúc những chiếc trực thăng khổng lồ sẽ đổ quân xuống bao vây tìm diệt.

Hoạt động của giang hạm địch thì không theo một quy luật nào cả, lúc đi ban ngày, lúc ban đêm, lúc đi sớm, lúc đi muộn… Công sự đã được đào xong trước khi trời sáng hẳn, chúng tôi thay nhau canh gác, trèo lên các cây cao quan sát mục tiêu, tất cả ở tư thế chờ địch.

Suốt từ sáng đến quá trưa dòng sông vẫn yên tĩnh. Thế rồi khoảng bốn giờ chiều, xa xa vọng lại tiếng máy nổ từ phía Sài Gòn, mỗi lúc một gần, ít phút sau, 4 chiếc giang hạm lần lượt xuất hiện rồi lọt vào trận địa phục kích. Đạn đã lên nòng, mục tiêu đã lọt vào tầm ngắm của ta. Cách địa điểm phục kích của chúng tôi khoảng hơn 100 m, bỗng chiếc đi đầu đổi hướng dạt vào bờ rồi dừng lại. Bọn lính bảo vệ trên tàu sau những giờ hành quân mệt mỏi đều lao ra thành tầu để “thư giãn”. Như cùng một lúc cũng từ Sài Gòn một chiếc trực thăng Cần Cẩu xuất hiện mỗi lúc một gần tới trận địa chúng tôi, rồi từ từ hạ thấp độ cao. Cách mặt nước khoảng 5 – 6 m thẳng đứng với chiếc giang hạm đi đầu rồi dừng lại, thả từng kiện hàng xuống. Thời cơ tốt nhất đã đến, ngay sau lệnh phát hỏa, từ các công sự bên bờ sông, bìa rừng chúng tôi đồng loạt nổ súng vào mục tiêu. Phát B40 của đồng đội tôi đã bắn trúng ngay chiếc trực thăng, lửa từ chiếc trực thăng bốc cháy dữ dội, tròng trành giây lát rồi rơi xuống và chìm nghỉm cùng chiếc giang hạm. Bọn lính trên các tàu còn lại hoảng loạn chống cự vu vơ được một lúc rồi tháo chạy như ong vỡ tổ về phía Sài Gòn.

Mục tiêu đã bị tiêu diệt. Chúng tôi nhanh chóng rút xuống công sự rồi lại ngụy trang “nằm im” để nghe pháo địch.

Đúng như dự đoán, chỉ trong giây lát trận địa lại mịt mù khói lửa. Pháo các cỡ của địch từ các phía bắn về. Một quả đạn pháo rơi cạnh hầm tôi, tạt vào một luồng gió khét lẹt, lá ngụy trang tung lên, tai tôi như điếc đặc. Tôi bị thương, máu chảy lênh láng. Ở hầm bên một chiến sĩ chạy sang băng bó cho tôi. Khoảng một giờ đồng hộ, tiếng pháo đã thưa dần, chúng tôi nhanh chóng rút quân về căn cứ Rừng Cầy an toàn…

Anh Nguyễn Thành Vân còn ở lại đơn vị tôi vài ngày nữa để làm việc với Ban Chỉ huy Trung đoàn và thăm một số đại đội “đàn anh” của đơn vị. Cũng những gian nhà hầm, nửa nổi, nửa chìm, chúng tôi tiếp anh như tiếp người thân trong gia đình, kể anh nghe nhiều chuyện chiến đấu, nhưng anh bảo anh thích nhất là chuyện “B40 hạ máy bay”, nó thể hiện rõ nét sự dũng cảm, mưu trí của chiến sĩ ta. Những chiến công ấy, góp phần quan trọng động viên chiến sĩ trong toàn quân, củng cố ý chí, niềm tin về một ngày toàn thắngn

——————————————————————————————————————————————————————————————-

(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Bùi Bá Ngọc (Thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng), nguyên cán bộ Quân giải phòng Đoàn Bắc Sơn anh hùng).


TRƯƠNG THỌ/baolangson.vn

https://baolangson.vn/an-ninh-quoc-phong/545508-nho-lai-mot-tran-danh.html


  • Từ khóa