Chặng đường thăng trầm của Alfred Riedl ở Việt Nam

Thứ 4, 09.09.2020 | 14:40:44
612 lượt xem

Là HLV gắn bó lâu nhất với đội tuyển Việt Nam, cầm quân 61 trận trong ba giai đoạn và nhiều lần vào chung kết, nhưng HLV Alfred Riedl chưa một lần hưởng niềm vui trọn vẹn.

Trong giai đoạn 1998-2000, 2003, 2005-2007, Riedl giúp Việt Nam thắng 27, hòa 14 và thua 20 trận. Số trận và tỷ lệ thắng của ông đều cao hơn Henrique Calisto - người dẫn dắt Việt Nam thắng 16 trong 52 trận.

Thành công lớn nhất của Riedl với Việt Nam có lẽ đến từ giai đoạn ba. Ông làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam khi đưa đội tuyển vào top tám Asian Cup 2007, còn đội U23 lần đầu lọt tới vòng loại cuối cùng Olympic 2008. Ông chưa từng vô địch một giải chính thức cùng các hệ đội tuyển Việt Nam, dù bốn lần vào chung kết Tiger Cup 98, SEA Games 20, 22 và 23. Sự nghiệp của ông với bóng đá Việt Nam luôn gắn với hai chữ "công" và "tội".

Riedl là HLV gắn bó lâu nhất với đội tuyển Việt Nam, với 61 trận, nhiều hơn người đứng thứ hai là Henrique Calisto chín trận. Ảnh: Đức Đồng

Riedl là HLV gắn bó lâu nhất với đội tuyển Việt Nam, với 61 trận, nhiều hơn người đứng thứ hai là Henrique Calisto chín trận. Ảnh: Đức Đồng

Riedl dẫn dắt Việt Nam từ tháng 8/1998, theo quan hệ của Nguyên tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn. Sau khi rời đội tuyển Liechtenstein, ông cùng vợ - bà Jolanda Riedl - lần đầu đến châu Á làm việc ở tuổi 48. Riedl nắm quyền, chỉ ít ngày trước khi Việt Nam tham dự Tiger Cup 98 trên sân nhà.

Riedl huấn luyện đội hình được coi là "Thế hệ vàng", như trung vệ Nguyễn Hữu Thắng, hậu vệ Trần Công Minh, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn, Vũ Minh Hiếu, hay tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Hồng Sơn là cầu thủ đầu tiên ghi bàn dưới trướng Riedl, ở trận ra quân gặp Lào trên sân Hàng Đẫy ngày 26/8/1998. Phút 30, đội trưởng Công Minh dốc bóng dọc biên phải rồi căng ngang vào trong cho Hồng Sơn. Tiền vệ Thể Công nhận bóng trong tư thế quay lưng, đẩy một nhịp khiến hậu vệ đối phương lỡ trớn, rồi cứa lòng chân trái về góc xa mở tỷ số.

Sau khi hạ Lào 4-1, thầy trò Riedl hòa Singapore không bàn thắng, rồi hạ Malaysia 1-0 ở trận cuối vòng bảng. Hồng Sơn một lần nữa lập công, với pha ngả người vô-lê tung nóc lưới Malaysia.

Hồng Sơn là quân bài tẩy của Riedl trong thời kỳ đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Hồng Sơn là quân bài tẩy của Riedl trong thời kỳ đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Riedl đưa Việt Nam vào bán kết và một lần nữa đụng Thái Lan. Hai năm trước đó, Việt Nam của HLV Karl-Heinz Weigang thua Thái Lan 2-4 ở bán kết Tiger Cup tại Kallang, Singapore. Lần này, Riedl giúp Việt Nam trả cả gốc lẫn lãi. Cú nã đại bác của Trương Việt Hoàng, kèm bàn thắng của Hồng Sơn và Văn Sỹ Hùng giúp Việt Nam hạ Thái Lan 3-0. Sân Hàng Đẫy như nổ tung, còn Riedl đấm mạnh tay lên không trung. Lần đầu tiên Việt Nam hạ Thái Lan ở một giải chính thức.

Lối chơi tấn công rực lửa của Riedl không thể giúp Việt Nam giữ Cup vô địch trên sân nhà, khi thua Singapore 0-1 ở chung kết. Bàn thắng của Singapore đến từ tình huống bóng đập vào lưng của trung vệ Sasikumar bay vào lưới. Đội khách chơi tử thủ và bảo vệ tỷ số trong khoảng 30 phút còn lại.

Một năm sau, Riedl tiếp tục đưa Việt Nam vào chung kết bóng đá nam SEA Games 20 ở Brunei. Ông và các học trò hòa Thái Lan ở vòng bảng, hạ Indonesia tại bán kết. Hàng thủ của Riedl không thủng lưới bàn nào trong năm trận đầu tiên. Nhưng khi tái ngộ Thái Lan ở chung kết, Việt Nam gục ngã 0-2.

Nhà cầm quân người Áo tiếp tục dẫn dắt Việt Nam đá Tiger Cup 2000 tại Thái Lan, nhưng chỉ về thứ tư. Việt Nam dẫn đầu bảng B, chỉ gặp Indonesia ở bán kết. Bị dẫn 1-2 đến phút 90, nhưng Việt Nam kịp gỡ hòa bởi bàn thắng muộn của Vũ Công Tuyền. Hai đội phải vào đá hiệp phụ. Tưởng như trận đấu sẽ tiến tới đá luân lưu, thì Gendut Doni Christiawan ghi bàn thắng vàng cho Indonesia ở phút 120. Việt Nam giảm hưng phấn, thua tiếp Malaysia 0-3 ở trận tranh giải Ba. Sau giải này, nhà cầm quân người Áo phải ra đi.

Một năm sau, ông quay trở lại Việt Nam, để dẫn dắt Khánh Hòa. Khi đó, Khánh Hòa đứng cuối bảng sau năm trận toàn thua. Riedl được giao mục tiêu giúp đội nhà trụ hạng, nhưng trong 13 trận còn lại, ông chỉ giúp đội bóng Phố Biển thắng một, hòa bốn và thua tám trận.

Ngày 1/6/2003, ông trở lại Hà Nội với nhiệm vụ dẫn dắt U23 Việt Nam tại SEA Games 22 - Đại hội lần đầu diễn ra tại Việt Nam. Riedl được kỳ vọng tạo ra cú hích trên sân nhà, giống như ở Tiger Cup 98. Trong nửa năm, ông vận hành U23 Việt Nam dưới sơ đồ mới 4-4-2. Phạm Văn Quyến là niềm cảm hứng trong lối chơi của Riedl, tựa như Hồng Sơn ngày trước. Chính Văn Quyến ghi bàn đầu tiên cho Riedl ở thời kỳ thứ hai, với bàn thắng vào lưới Nepal ở vòng loại World Cup 2003 tại Oman. Nhưng, Văn Quyến được biết đến nhiều hơn ở giải đó với pha lập công duy nhất giúp Việt Nam quật ngã Hàn Quốc ngày 19/10/2003.

Văn Quyến luôn là ưu tiên của Riedl trong giai đoạn hai.

Văn Quyến luôn là ưu tiên của Riedl trong giai đoạn hai.

Văn Quyến cũng mở tỷ số cho Việt Nam trong trận ra quân SEA Games 22 gặp Thái Lan, dù hai đội hòa chung cuộc 1-1. Riedl lại đưa Việt Nam vào chung kết và tái ngộ Thái Lan. Văn Quyến vô-lê đẹp mắt gỡ hòa 1-1 ở phút đá bù hiệp hai, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Nhưng, Nattaporn Phanrit ghi bàn thắng vàng giúp Thái Lan đoạt HC vàng ở phút 96, trước khán đài Mỹ Đình chết lặng.

Sau khi Việt Nam dưới tay HLV Edson Tavares bị loại ngay vòng bảng Tiger Cup 2004, VFF lại cầu cứu Riedl cho SEA Games 23. Ngày 22/4/2005, ông trở lại Nội Bài. Riedl cho biết danh sách sơ bộ SEA Games 23 do các trợ lý lập ra, còn ông chỉ đề nghị một cái tên: Văn Quyến. Lần này, "Cậu bé Vàng" của bóng đá Việt Nam phụ lòng Riedl khi nằm trong nhóm dàn xếp tỷ số tại Philippines. Tiền đạo Nghệ An lập cú đúp trong cả hai trận đầu ở SEA Games 23. Anh cùng Lê Công Vinh nổ súng trong trận bán kết giúp đội nhà thắng ngược Malaysia 2-1. Tại chung kết, Việt Nam vẫn bị người Thái khuất phục với tỷ số 0-3, với hat-trick của Teeratep Winothai.

SEA Games 23 cũng đánh dấu sự chuyển giao chủ công của Việt Nam, từ Văn Quyến sang Công Vinh. Công Vinh là cầu thủ ghi bàn cuối cùng cho Việt Nam ở giải đó, và ghi bàn đầu tiên tại AFF Cup 2007. Sau năm 2006 vật lộn chữa bệnh suy thận, Riedl vẫn đưa Việt Nam sang Singapore dự AFF Cup. Ông và các học trò đứng thứ hai vòng bảng, sau chủ nhà. Ở bán kết theo thể thức hai lượt, Việt Nam lại thua Thái Lan 0-2, bởi các bàn của Datsakorn Thonglao và Pipat Thonkanya.

Vấp phải nhiều chỉ trích trước thềm Asian Cup 2007 mà Việt Nam làm một trong bốn chủ nhà, Riedl lại gây tiếng vang. Bàn thắng của hậu vệ Huỳnh Quang Thanh và Công Vinh giúp Việt Nam đả bại UAE 2-0 ngay trận ra quân ngày 8/7/2007. Ở trận thứ hai, tiền đạo Phan Thanh Bình lập công giúp Việt Nam hòa Qatar 1-1. Dù thua Nhật Bản 1-4 ở trận cuối, Việt Nam vẫn qua vòng bảng với vị trí thứ hai. Thầy trò Riedl trở thành đội duy nhất ở Đông Nam Á lọt tới tứ kết Asian Cup. Tại đó, cú đúp của Younis Mahmoud giúp Iraq hạ Việt Nam 2-0, sau đó họ thắng hai trận nữa để vô địch.

Công Vinh (phải) là hạt nhân trong thành công của Riedl ở giai đoạn cuối với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFP

Công Vinh (phải) là hạt nhân trong thành công của Riedl ở giai đoạn cuối với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: AFP

Nốt thăng cuối cùng của Riedl với bóng đá Việt Nam đến từ vòng loại thứ hai Olympic Bắc Kinh 2008. U23 Việt Nam bất ngờ đứng đầu bảng C với 12 điểm qua sáu trận, đứng trên Lebanon, Oman và Indonesia. Lần đầu tiên Việt Nam vào đến vòng loại cuối cùng của Olympic. Ở đó, trước Nhật Bản, Qatar và Saudi Arabia, Việt Nam đứng cuối bảng nhưng vẫn kiếm được hai trận hòa.

Bay bổng với hai giải liên tiếp làm nên lịch sử, Riedl được kỳ vọng lớn ở SEA Games 24 tại Thái Lan. Ông giúp Việt Nam đứng đầu bảng, chỉ cần gặp Myanmar ở bán kết. Tuy nhiên, ba cầu thủ Vũ Phong, Xuân Hợp và Long Giang đá hỏng luân lưu, khiến Việt Nam lỡ cơ hội vào chung kết. Ở trận tranh HC đồng, thầy trò Riedl thua Singapore 0-5. Ngay sau giải, ông từ chức.

Riedl trở lại Việt Nam làm việc lần cuối vào năm 2008, để dẫn dắt Hải Phòng. Ông giúp đội về thứ ba V-League 2008, tiếp tục làm việc trong năm tiếp theo. Nhưng, chỉ sau ba trận thua đầu mùa 2009, Riedl bị sa thải.

Hôm qua 8/9, ông đã qua đời ở quê nhà Áo ở tuổi 70, sau nhiều năm chống chọi với bệnh ung thư.


Xuân Bình/vnexpress.net

https://vnexpress.net/chang-duong-thang-tram-cua-alfred-riedl-o-viet-nam-4158950.html

  • Từ khóa