Quyền lực của nhóm Big 6 ở Ngoại hạng Anh

Thứ 6, 11.09.2020 | 14:40:42
1,383 lượt xem

Các đội bình dân đang vươn lên nhưng không dễ để phá vỡ kết cấu của Liverpool, Man Utd, Man City, Chelsea, Tottenham và Arsenal tại Ngoại hạng Anh mùa 2020-2021.

Mùa trước chứng kiến nhiều thành viên nhóm sáu đại gia Ngoại hạng Anh lao đao. Phải đến vòng cuối, Man Utd và Chelsea mới đẩy được Leicester ra khỏi top 4. Tottenham chỉ đứng thứ sáu, còn Arsenal rơi xuống thứ tám do ảnh hưởng của những Wolves, Leicester, Sheffield...

West Ham, Leicester, Sheffield, Wolves đều có tiềm lực tài chính và tiến bộ về chuyên môn, và được xem là có thể thách thức nhóm Big Six. Ảnh: Sky Sports

West Ham, Leicester, Sheffield, Wolves đều có tiềm lực tài chính và tiến bộ về chuyên môn, và được xem là có thể thách thức nhóm Big Six. Ảnh: Sky Sports

Hồi tháng 2/2020, khi được hỏi về thực tế này, HLV Wolves Nuno Espirito Santo đã lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận rồi mới trả lời. Ông nói: "Tôi nghĩ tình thế đang thay đổi. Không có quá nhiều khác biệt giữa các đội bóng nữa. Tất cả đều có cầu thủ chất lượng, HLV giỏi và quá trình chuẩn bị thi đấu. Vì vậy, khoảng cách giữa các đội ngày càng hẹp lại".

Vào thời điểm đó, Wolves và Sheffield United vẫn đang mơ về suất dự Champions League. Leicester thì xếp thứ ba, có nhiều khả năng đoạt vị trí nhì bảng của Man City hơn là rơi khỏi top 4. Nuno khi đó cho rằng khái niệm về một Big 6 đã trở nên lỗi thời, ngay cả trước khi Covid-19 bùng nổ và dẫn đến ba tháng ngừng thi đấu. Đó là một giai đoạn kỳ lạ, cả Tottenham lẫn Arsenal, trong hỗn loạn, đã sa thải HLV vào tháng 11/2019.

Đến cuối tháng 1/2020, Chelsea, Man Utd và Tottenham đều thua tám trong số 24 vòng, còn Arsenal mới thắng sáu trận. Lần đầu tiên kể từ mùa giải 2015-2016, có cảm giác rằng cuộc đua vào top 4 không chỉ dành cho sáu ông lớn truyền thống, mà còn rộng mở với nhiều đội hơn thế.

Dù vậy, chậm nhưng chắc, những tên tuổi lớn bắt đầu tìm lại nhịp điệu của họ. Man Utd thắng chín và hòa năm trong 14 vòng cuối cùng để chiếm thứ ba. Chelsea thắng tám trong 12 vòng cuối, chỉ kém Man Utd về hiệu số bàn thắng bại khi cán đích thứ tư. Tottenham, sau khi dần ổn định dưới trướng Jose Mourinho, chỉ chịu một thất bại trong 10 vòng cuối. Dù chỉ kịp vươn lên thứ tám nhờ thắng tám, hòa hai trong 14 vòng cuối, Arsenal vẫn gây ấn tượng mạnh vì đánh bại Man City ở bán kết rồi hạ tiếp Chelsea trong trận chung kết để đoạt Cup FA.

Thực tế ấy cho thấy trong bối cảnh bất thường chưa từng có, trật tự cũ ít nhiều được thiết lập lại ở Ngoại hạng Anh. Leicester rơi vào thế khó, ngậm ngùi cán đích thứ năm, vuột tấm vé dự Champions League. Dù vậy, tính từ mùa 2015-2016 mà họ vô địch, Leicester vẫn là đội đầu tiên ngoài Big 6 có chỗ trong top 6.

Tháng 11/2019, khi Leicester đang trải qua chuỗi 12 trận thắng trong 14 trận, HLV Brendan Rodgers đã sớm dự báo rằng những kẻ thách thức khác sẽ chịu phận làm cỏ khô một khi mặt trời ló dạng. Ông cho rằng, sớm hay muộn, các CLB lớn sẽ cùng nhau trở lại, nên Leicester, Wolves, Everton và phần còn lại phải chịu áp lực lớn nhất. "Chúng ta phải chiến đấu. Chúng ta không thể chấp nhận rằng đó là sáu công ty hàng đầu, về mặt tài chính, và rằng chúng sẽ luôn ngồi dưới họ. Chúng ta phải hy vọng tìm ra cách thả một quả lựu đạn vào đó, và xem nó sẽ đưa chúng ta đến đâu", Rodgers nói.

Nhưng ông cũng thận trọng nói thêm: "Đôi khi có xu hướng rằng, nếu có điều gì xảy ra mà đánh động các CLB lớn, thì họ có lý do để tiến lên và vung tiền, mang về những ngôi sao có thể giúp họ gìn giữ vị thế". Và thực tế cho thấy điều đó đã xảy ra.

Man Utd, sau khi chi 100 triệu USD mua Harry Maguire và 54 triệu USD tậu Aaron Wan-Bissaka hè 2029, đã giải quyết khó khăn trong nửa đầu mùa giải bằng cách chi tiếp 62 triệu USD để có Bruno Fernandes vào tháng 1/2020. Mới đây, họ lại bỏ ra 48 triệu USD mua Donny van de Beek từ Ajax, và chắc chắn chưa dừng lại do phiên chợ hè này được kéo dài tới tận ngày 5/10.

Bruno Fernandes là minh chứng cho việc các đại gia có thể vung tiền để giải quyết khó khăn. Ảnh: Reuters

Bruno Fernandes là minh chứng cho việc các đại gia có thể vung tiền để giải quyết khó khăn. Ảnh: Reuters

Chelsea, sau khi mãn án cấm chuyển nhượng, đổ tới 264 triệu USD vào phiên chợ hè gom những tài năng như Ben Chilwell, Kai Havertz, Timo Werner, Hakim Ziyech, Thiago Silva..., trong đó, Chilwell là học trò cưng của Rodgers tại Leicester. Arsenal trầm hơn, nhưng cũng cũng được nâng cấp ở trung tâm hàng thủ với việc mua Gabriel và Pablo Mari. Tottenham đã chiêu mộ được hai mục tiêu hàng đầu - Matt Doherty và Pierre Emile Hojbjerg, cả hai đều là những thương vụ có thể làm suy yếu Wolves và Southampton.

Chính nhờ quy luật "nếu sa sút thì vung tiền mua sao", Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, Man Utd và Tottenham đã cùng nhau 54 lần chiếm vị trí trong top 6 suốt 10 mùa giải qua.

Liverpool đứng thứ tám mùa 2011-2012 và thứ bảy vào mùa 2012-2013, khi họ trỗi dậy sau giai đoạn sở hữu hỗn loạn dưới thời Tom Hicks và George Gillett. Họ cũng xếp thứ tám trong mùa giải 2015-2016 mà Juergen Klopp đến thay Rodgers, nhưng cũng lọt vào trận chung kết Cúp Liên đoàn và Europa League. Rồi sau đó là hành trình vươn lên đáng kinh ngạc.

Chelsea, nhà vô địch mùa 2014-2015, đã sa sút khó tin ở mùa tiếp theo, khiến Mourinho mất ghế. Nhưng họ lại vô địch ở mùa 2016-2017 với Antonio Conte trên ghế chỉ đạo. Man Utd, ngay cả khi thi đấu tệ hại trong những năm hậu kỷ nguyên Ferguson, chưa bao giờ kết thúc ngoài top 7.

Tương tự, dù không đủ sức đua vô địch Ngoại hạng Anh suốt bốn mùa vừa qua, Arsenal cũng lần lượt xếp thứ năm, thứ sáu, rồi lại thứ năm và thứ tám. Nhưng đấy có thể là đáy của giai đoạn khủng hoảng, bởi với HLV Mikel Arteta, họ dường như đã tìm được con đường phục sinh.

Vậy trên thực tế, làm thế nào để những đội ngoài Big Six tiến lên? Như thuật ngữ của HLV Rodgers, Leicester đã cố gắng "ném một quả lựu đạn" những hai lần, lần đầu tiên là chức vô địch Ngoại hạng Anh lịch sử ở mùa 2015-2016, và lần thứ hai là vị trí thứ năm mùa vừa qua.

Các HLV và cầu thủ thuộc nhóm bình dân đã nói rất nhiều về nguồn cảm hứng 2016 mà Leicester truyền đi. Nhưng thực tế, danh hiệu đó đã gây ra phản ứng dữ dội trong Big 6. Họ không chỉ bổ nhiệm các HLV lừng danh mới - Conte, Pep Guardiola, Mourinho và thực hiện những thương vụ đình đám, mà còn gây sức ép giảm phần chia bản quyền truyền hình cho các đội ngoài Big 6.

Về tài chính, Big 6, với doanh thu thương mại khổng lồ và thu nhập tích lũy từ các Cup châu Âu, luôn ở một thế giới khác. Bảng xếp hạng kiểm toán Deloitte Money League thường niên, cho thấy các CLB Ngoại hạng Anh chiếm tới 11 vị trí trong số 30 CLB giàu có nhất của bóng đá thế giới ở mùa 2018-2019.

Con số này nói lên nhiều điều về sự mất cân bằng kinh tế và cạnh tranh, điều gây hại cho Ngoại hạng Anh hơn là cho cả nền bóng đá châu Âu. Với 510 triệu USD, Arsenal có doanh thu thấp nhất trong Big 6, nhưng con số đó vẫn nhiều gấp đôi West Ham - xếp thứ bảy với 246 triệu USD, hay Everton - xếp thứ 8 với 242 triệu USD.

Everton đủ tiền để hấp dẫn được những HLV hàng đầu như Ancelotti, nhưng vẫn chưa thể sánh với nguồn lực tài chính hùng mạnh của nhóm Big Six.

Everton đủ tiền để hấp dẫn được những HLV hàng đầu như Ancelotti, nhưng vẫn chưa thể sánh với nguồn lực tài chính hùng mạnh của nhóm Big Six.

Nan đề cho các đội ngoài Big 6

Các đội bên ngoài không dễ cạnh tranh Top 6, ngay cả khi có tới ba đại gia trông dễ bị tổn thương hơn thường lệ như ở mùa trước. Rodgers đã đề cập đến điều gì đó sau thất bại 0-2 dưới tay Man Utd - kết quả đặt dấu chấm hết cho tham vọng dự Champions League của Leicester ở vòng 38.

Khi được hỏi cần cải thiện những gì nếu muốn cán đích trong top 4 mùa này, Rodgers nói rằng Leicester phải sáng tạo hơn và ghi nhiều bàn thắng hơn, và có nhiều hơn 67 điểm. Không phải HLV nào cũng chia sẻ triết lý của Rodgers, dựa trên sự kiểm soát và sáng tạo.

Wolves đã xếp thứ bảy hai mùa gần nhất, khi ghi được lần lượt 47 và 51 bàn. Sheffield xếp thứ chín, thành tích cao nhất của họ tại giải Vô địch quốc gia Anh kể từ năm 1975, cũng chỉ ghi được 39 bàn trong 38 trận. Khi Burnley đứng thứ bảy ở mùa 2017-2018, họ chỉ ghi được 36 bàn.

Tuy nhiên, điều đó cũng minh họa cho quan điểm của Rodgers. Theo đó, việc có một số bàn thắng nhất định không phải để khoe thành tích ghi bàn, mà là giành chiến thắng, tức ba điểm. Burnley đã thắng 14 trận trong tổng số 38 trận ở mùa 2017-2018. Sheffield cũng có số trận thắng tương tự ở mùa trước, Wolves thì thắng tới 16 trận ở mùa 2018-2019 (57 điểm) và 15 trận mùa trước (59 điểm).

Mùa vừa qua, tiêu chuẩn tham dự Champions League thấp hơn nhiều so với thường lệ - Man Utd (thứ ba) và Chelsea (thứ tư) đều 66 điểm. Nhưng Leicester, Wolves đã không có đủ số trận thắng để tận dụng cơ hội. Đây là một nan đề cho HLV các đội ngoài Big 6.

HLV Nuno của Wolves, là một trường hợp đặc biệt hấp dẫn. Ông đã được khen ngợi vì sự tiến bộ và bền bỉ của Wolves suốt hai mùa vừa qua. Nhưng với những cầu thủ như Ruben Neves, Joao Moutinho, Adama Traore, Raul Jimenez, Diogo Jota và Fabio Silva, Nuno được cho là cần đặt mục tiêu cao hơn, cần thắng nhiều hơn, cần vượt qua mốc 60 điểm.

Wolves có vẻ mệt mỏi vào cuối mùa trước, do đội hình thiếu chiều sâu đủ để đối phó với lịch đấu khắc nghiệt gồm 17 trận trên các đấu trường. Việc hòa Burnley, Southampton, Sheffield, Newcastle và Brighton trên sân nhà là bằng chứng về những hạn chế ở cả khía cạnh chiến thuật lẫn tinh thần

Wolves phải sáng tạo hơn và tàn nhẫn hơn. Nhưng làm thế nào để họ làm điều đó mà không phải hy sinh sự vững chắc trong phòng thủ - yếu tố đã giúp thầy trò Nuno bay cao suốt hai mùa? Họ đang cố gắng làm điều đó bằng thương vụ bất ngờ khi chiêu mộ trung vệ Fabio Silva, từ Porto, với 45,2 triệu USD.

Bằng cách nào đó, Nuno phải phát triển một cách chơi mở hơn, đặc biệt là trong các trận đấu trên sân nhà với đối thủ "vừa miếng", mà không gây nguy hiểm cho hàng thủ có thành tích tốt thứ năm Ngoại hạng Anh mùa trước. Vụ tuyển mộ Fabio được xem là một động thái tinh chỉnh, cân bằng, để bù lại cho việc bị Tottenham cuỗm mất Doherty.

Ngoài áp lực giành nhiều điểm hơn trong các trận đấu "dễ thở", họ cũng cần phải tạo ra nhiều áp lực hơn lên các đội dẫn đầu. Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một số xu hướng đáng báo động về tỷ lệ điểm kiếm được giữa Big Six so với 14 đội còn lại.

Mùa 2018-2019, Big 6 thắng 124 trận, hoà 20 và thua 24 trong tổng cộng 168 trận, đạt mức điểm trung bình là 2,33 điểm mỗi trận. Mùa trước, con số này là 2,04 điểm mỗi trận (102 trận thắng, 37 trận hòa và 29 trận thua). Đây là một bước thụt lùi của Big 6, bởi Liverpool đã chiếm 25 trong số 102 trận thắng.

Những đội ngoài Big Six như Wovles thiếu sự lạnh tùng, tự tin để tận dụng thời cơ khi các đại gia như Arsenal sa sút. Ảnh: Reuters

Những đội ngoài Big Six như Wovles thiếu sự lạnh tùng, tự tin để tận dụng thời cơ khi các đại gia như Arsenal sa sút. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, số điểm trung bình đó vẫn cao hơn đáng kể so với số điểm trung bình trong những năm đầu của thập kỷ trước. Và từ mùa giải 2020-2021 này, Arsenal, Man Utd và Tottenham đều đã hồi phục, nên chắc chắn rằng, họ sẽ mạnh hơn mùa trước. Tương tự là Chelsea và Man City.

Ngay cả ở mùa trước, việc giành điểm từ tay các ông lớn vẫn có vẻ là một thách thức khó khăn cho phần còn lại. Everton, đội chơi hay nhất ngoài Big 6, đã thắng một, hòa bốn và thua một, trước Man City, khi tiếp các ông lớn trên sân nhà Goodison Park. Nhưng khi làm khách, họ lại rất tệ.

Hồi tháng 2/2020, HLV Carlo Ancelotti nói đùa rằng ông muốn khóc khi biết Everton đã trải qua 37 trận không thắng trên sân Arsenal, Chelsea, Everton, Liverpool, Man City, Man Utd hoặc Tottenham kể từ tháng 12/2013. Nhưng mạch ấy giờ kéo dài tới 40 trận và có lẽ sẽ chưa dừng lại.

Ancelotti đã nói về sự cần thiết phải thay đổi "tâm lý khi làm khách của Big 6" đối với Everton nếu muốn có vị trí tốt hơn trên bảng điểm. Với Wolves, thách thức là phải tìm ra cách để giành chiến thắng trong những trận trên cơ, khi đối thủ lùi sâu và buộc họ phải chủ động tấn công.

Vòng 1 Ngoại hạng Anh

Thứ Bảy, 12/9
(giờ Hà Nội)

Fulham vs Arsenal: 18h30
Crystal Palace vs Southampton, 21h
Liverpool vs Leeds, 23h30

Chủ nhật, 13/9
West Ham vs Newcastle, 2h
West Brom vs Leicester, 20h
Tottenham vs Everton, 22h30

Thứ Ba, 15/9
Sheffield United vs Wolves, 0h
Brighton vs Chelsea, 2h15


Trâm Anh/vnexpress.net

https://vnexpress.net/quyen-luc-cua-nhom-big-6-o-ngoai-hang-anh-4160252.html

  • Từ khóa