Phòng, chống rét, đảm bảo sức khỏe cho học sinh

Thứ 5, 08.12.2022 | 09:44:09
1,199 lượt xem

Để đảm bảo sức khỏe của học sinh trong mùa đông năm nay, các đơn vị, trường học đã chủ động triển khai các biện pháp thiết thực.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 670 đơn vị trường học, trong đó có 232 trường mầm non, 250 trường có lớp tiểu học. Do đặc thù tỉnh miền núi, địa hình chia cắt nên hiện nay toàn tỉnh còn có 390 điểm trường lẻ cấp mầm non; 260 điểm trường cấp tiểu học; 58 điểm trường tiểu học – THCS với khoảng 30.000 trẻ và học sinh đang học. Ở các điểm trường vùng cao này, ngay từ đầu mùa đông, các nhà trường đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho học sinh, nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần của các em.

Phòng học kiên cố có cửa sổ kính tránh gió lùa và đảm bảo ánh sáng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình

Trong những ngày đầu tháng 12/2022 khi thời tiết chuyển lạnh, chúng tôi có dịp đến Trường Mầm non Minh Phát, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình. Theo quan sát của phóng viên, các phòng học đều đóng kín cửa để tránh gió lùa, có trải đệm xốp, đủ ánh sáng để học sinh học tập, vui chơi. Trao đổi với chúng tôi cô Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 1 điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ với tổng số 122 trẻ mầm non theo học. Hiện tại các phòng học ở các điểm trường đã được xây dựng kiên cố, kín gió về mùa đông và luôn có đủ chăn ấm, nước nóng cho học sinh sử dụng. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong mùa đông, nhà trường cũng hạn chế cho học sinh tham gia hoạt động ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp; yêu cầu giáo viên thường xuyên tuyên truyền phụ huynh chăm sóc và giữ ấm cho trẻ tại nhà và khi đưa, đón trẻ.

Không chỉ Trường Mầm non Minh Phát, thời gian qua, ở các trường học, nhất là trường cấp mầm non, tiểu học, trường bán trú trong toàn tỉnh đều quan tâm, triển khai các điều kiện để phòng, tránh rét cho học sinh như: sửa sang cơ sở vật chất đã xuống cấp, bổ sung chăn ấm; thường xuyên nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời; tăng cường khẩu phần ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng theo đúng quy định; chủ động trang bị đầy đủ thuốc để sơ cứu khi học sinh bị cảm lạnh, sốt, ho; hướng dẫn học sinh cách phòng, chống các dịch bệnh; phối hợp với cán bộ y tế cơ sở thực hiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh…

Các em học sinh Trường Mầm non Minh Phát, huyện Lộc Bình được tặng áo ấm

Mặt khác nhiều trường còn tích cực huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm áo ấm, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh. Có thể kể đến như tháng 11/2022, Trường Tiểu học xã Đào Viên, huyện Tràng Định được đoàn thiện nguyện Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức tặng áo ấm cho học sinh; đầu tháng 12/2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc được đoàn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc tặng quà, đệm ấm cho học sinh… và nhiều đoàn thiện nguyện khác đến trao, tặng quà cho các nhà trường. Những nguồn lực này đã góp phần hỗ trợ kịp thời cho các nhà trường trong công tác phòng tránh rét, đảm bảo tốt hơn điều kiện để giữ ấm cho trẻ, học sinh trong mùa đông.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại có thể xảy ra và giúp các trường học chủ động phòng tránh rét, từ đầu mùa đông năm nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học triển khai biện pháp ứng phó, nhằm bảo đảm luôn duy trì tốt nền nếp học tập và tỷ lệ chuyên cần của học sinh; đôn đốc phòng GD&ĐT các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra, tham mưu với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở bán trú bị hư hỏng, xuống cấp. Cùng đó, yêu cầu các nhà trường theo dõi tình hình thời tiết thực tế trên địa bàn để chủ động báo cáo chính quyền địa phương và phòng GD&ĐT điều chỉnh thời gian bắt đầu và kết thúc buổi học hoặc cho học sinh nghỉ học theo quy định của Bộ GD&ĐT và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa bàn… Với những biện pháp được đưa ra của ngành GD&ĐT tỉnh, thời gian qua, việc dạy và học của các nhà trường được diễn ra bình thường và bảo đảm sức khỏe của học sinh.

Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc tặng chăn ấm cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình

Theo thông tin của cơ quan chức năng, dự báo trong mùa đông năm nay, Lạng Sơn tiếp tục có các đợt rét đậm, rét hại xảy ra. Vì thế, các đơn vị, trường học, nhất là những trường học ở vùng cao của tỉnh nên tiếp tục chủ động, tích cực triển khai những giải pháp thiết thực và cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống rét cho học sinh.

Các biện pháp giúp phụ huynh phòng chống các bệnh vào mùa đông: Phụ huynh học sinh cần giữ ấm cơ thể cho con em mình khi thời tiết chuyển lạnh; đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, đủ chất và an toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, phụ huynh cần đưa học sinh tham gia tiêm chủng vắc xin trong trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích phụ huynh đưa học sinh đi tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa. Khi học sinh có các dấu hiệu nghi mắc các bệnh truyền nhiễm, nhà trường và phụ huynh cần phát hiện kịp thời, đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi và điều trị…

 

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế

“Mùa đông có những hình thái thời tiết rõ rệt như: trời lạnh, nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục; độ ẩm không khí cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, gây bệnh, đặc biệt ở học sinh. Bệnh thường gặp nhất vào mùa đông là bệnh viêm đường hô hấp (bệnh nhiễm trùng đường hô hấp) dẫn đến nhiều bệnh lý như: viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, xoang, hầu – họng, thanh quản) và viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, khí quản, tiểu phế quản, các phế nang). Ngoài ra, các bệnh như: chân tay miệng, tiêu chảy, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… cũng có khả năng gia tăng trong mùa đông.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế, chỉ tính riêng trong tháng 10/2022, một số bệnh truyền nhiễm trên địa bàn có số ca mắc tăng nhẹ so với tháng 10/2021. Cụ thể như: chân tay miệng 7 ca, tăng 6 ca; cúm 685 ca, tăng 259 ca; thủy đậu 17 ca, tăng 11 ca; tiêu chảy 263 ca, tăng 81 ca, trong đó, ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh trên ở học sinh. Với những điều kiện của thời tiết mùa đông, nguy cơ các ca bệnh trên sẽ có thể tăng cao, đặc biệt là những ca bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh cúm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vui chơi, học tập của học sinh.

Để chủ động phòng, chống bệnh trong mùa đông cho trẻ em nói chung, học sinh nói riêng, Sở Y tế thường xuyên phối hợp với Sở GD&ĐT trong công tác tuyên truyền; hỗ trợ nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế trường học trong việc dự phòng các bệnh truyền nhiễm có thể phát sinh, đảm bảo tốt sức khỏe, an toàn cho học sinh khi đến trường. Cùng đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp giám sát, điều tra dịch tễ nhằm phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch tại cộng đồng, đặc biệt ở các trường học. Đồng thời, đơn vị cũng yêu cầu các cơ sở điều trị đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế sẵn sàng đáp ứng công tác điều trị, đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng và sức khỏe của người dân, trong đó có học sinh.


HOÀNG TÙNG - TRIỆU THÀNH/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/545861-phong-chong-ret-dam-bao-suc-khoe-cho-hoc-sinh.html


  • Từ khóa