Trả lời bạn xem truyền hình ngày 2/6/2020

Thứ 3, 02.06.2020 | 10:36:46
725 lượt xem

Câu 1. Ông Lý Văn Hồng, trú tại xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập hỏi: Luật Dân quân tự vệ quy định như thế nào về việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, quản lý Dân quân tự vệ?

Trả lời:

Theo Điều 9 Luật Dân quân tự vệ quy định như sau:

1. Đối với việc đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:

a) Tháng 4 hằng năm, căn cứ kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; tổ chức đăng ký bổ sung cho công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ khi thay đổi nơi cư trú đến đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Trường hợp thay đổi nơi làm việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đăng ký cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

c) Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật được miễn đăng ký nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

2. Đối với việc quản lý Dân quân tự vệ:

a) Dân quân tự vệ khi vắng mặt trong thời gian thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo với người chỉ huy trực tiếp để xem xét, quyết định;

b) Dân quân tự vệ tạm vắng trong thời gian từ 03 tháng trở lên phải báo cáo với Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức hoặc người chỉ huy đơn vị tự vệ nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;

c) Chính phủ quy định phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ.

Câu 2: Ông Triệu Văn Chương, trú tại xã Chí Minh, huyện Tràng Định hỏi: Trường hợp nào được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 11 Luật Dân quân tự vệ quy định các trường hợp sau đây được tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể như sau:

1. Các trường hợp công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:

a) Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ;

c) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;

d) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;

đ) Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;

g) Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

h) Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.

2. Các trường hợp công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:

 a) Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;

b) Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên;

d) Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

đ) Người làm công tác cơ yếu.

3. Công dân thuộc diện tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ quy định tại luật Dân quân tự vệ nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn vào Dân quân tự vệ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.

Câu 3. Ông Hoàng Trung Hiếu, trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng hỏi: Giấy tờ để cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm những loại nào theo quy định của pháp luật?

Theo Khoản 2 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi;

b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mất phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

d) Bản chụp có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu./.

  • Từ khóa