Trả lời bạn xem truyền hình ngày 24/11/2020

Thứ 3, 24.11.2020 | 10:04:55
1,083 lượt xem

Câu 1. Bà Tô Thị Thu, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Lạng Sơn hỏi: Qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Xin hỏi Luật này quy định thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như thế nào? Nếu không may gặp phải trường hợp này thì gia đình phạm nhân có thể nhận tử thi của phạm nhân không?

Trả lời:       

Theo quy định tại Điều 56 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết như sau:

“1. Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng.

2. Khi cơ quan có thẩm quyền cho phép làm các thủ tục mai táng người chết thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp.

Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng.

3. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài thì việc nhận tử thi hoặc hài cốt phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định”.

Trên đây là quy định về thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết, theo đó, khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước…. các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các quy định đã nêu trên. Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Việc nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân thì thân nhân sẽ tự chịu chi phí, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Còn đối với việc nhận hài cốt thì chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng.

 Câu 2: Ông Phạm Văn Đức, trú tại xã Khánh Long, huyện Tràng Định hỏi: Trường hợp vợ chồng ly hôn có tài sản chung nhưng đã thỏa thuận được thì nội dung này có bắt buộc phải được ghi nhận tại biên bản hòa giải hay không? Hai người có cần đến Tòa án để trực tiếp nhận quyết định công nhận thỏa thuận hay có thể nhờ người khác đến nhận?

Trả lời:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.

Theo đó, khi giải quyết vụ việc ly hôn, dù là ly hôn đơn phương hay thuận tình, Tòa án có trách nhiệm tiến hành thủ tục hòa giải giữa các đương sự. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

- Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

- Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này như sau:

“1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản”.

Quyết định giải quyết việc dân sự phải có các nội dung như ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên Tòa án ra quyết định; Họ, tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp; Tên, địa chỉ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự; Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết; Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Nhận định của Tòa án và những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu; Căn cứ pháp luật để giải quyết việc dân sự; Quyết định của Tòa án; Lệ phí phải nộp.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 370 của Bộ luật này quy định: “Quyết định giải quyết việc dân sự phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Việc gửi quyết định giải quyết việc dân sự cho cơ quan thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự”.

Tóm lại, Tòa án có trách nhiệm tiến hành thủ tục hòa giải giữa các đương sự khi giải quyết vụ việc ly hôn. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án có trách nhiệm gửi cho đương sự. Cho nên, ông không bắt buộc phải đến Tòa án để nhận Quyết định này./.

  • Từ khóa