Trả lời bạn xem truyền hình ngày 15/06/2021

Thứ 3, 15.06.2021 | 15:01:12
1,063 lượt xem

Câu 1. Ông Nguyễn Minh Đức, trú tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng hỏi: Việc thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong phòng chống dịch covid-19 được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

 Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 Hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú.Cụ thể như sau

* Hình thức cách ly

Cách ly y tế tại nhà, nơi ở, nơi lưu trú: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.

* Đối tượng cách ly

- Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định;

- Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.

* Thời gian cách ly

Công điện số 600/CĐ-BCĐ ngày 05/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch covid -19 quy định điều chỉnh thời gian cách ly tập trung từ ít nhất 14 ngày lên ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 14 và ngày thứ 20 trong thời gian cách ly tập trung.

* Yêu cầu về phòng ở của người được cách ly

- Tốt nhất là ở phòng riêng, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc trong cùng nơi ở, nơi lưu trú ít nhất 2 mét và xa khu sinh hoạt chung.

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.

- Nếu có điều kiện nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại.

- Có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch.

- Có thùng rác có nắp đậy.

Tổ chức thực hiện cách ly

* Người được cách ly

a) Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương (Mẫukèm theo).

b) Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏehàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

c) Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.

d) Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;

đ) Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly

e) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt...

f) Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.

g) Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.

h) Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.

* Thành viên trong hộ gia đình, nơi ở, nơi lưu trú

a) Hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

b) Lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nơi ở, nơi lưu trú hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng.

c) Cung cấp xuất ăn riêng cho người được cách ly.

d) Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã, chính quyền địa phương sở tại khi người được cách ly tự ý rời khỏi khu cách ly hoặc có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở

đ) Không tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú.

e) Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu, giải quyết.

Câu 2. Bà Hoàng Thị Hương, trú tại Phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông công cộng thì hành khách, người điều khiển phương tiện và người phục vụ, có trách nhiệm gì trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi tham gia trên các phương tiện giao thông công cộng?

Trả lời:

Theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT, ngày 08/09/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới, phần hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trên các phương tiện giao thông công cộng thì trách nhiệm của hành khách, người điều khiển phương tiện và người phục vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện giao thông công cộng được quy định cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện và người phục vụ

- Không tham gia điều khiển, phục vụ trên phương tiện giao thông công cộng nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là trước khi bắt đầu và kết thúc quá trình di chuyển.

- Phải cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.

- Hạn chế ăn uống, nói chuyện. Không khạc, nhổ; vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng.

- Áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại hình phương tiện giao thông công cộng.

- Yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù trên phương tiện.

- Thông báo cho người quản lý, cơ quan y tế nếu phát hiện có hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện....Chú ý đối với xe taxi và các phương tiện tương tự, người điều khiển phương tiện, người phục vụ phải lau chùi tay nắm cửa, ghế ngồi của xe sau mỗi lần khách lên, xuống xe bằng dung dịch sát khuẩn nhanh.

2. Trách nhiệm của hành khách

- Không tham gia giao thông công cộng nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

- Bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng.

- Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước khi bắt đầu và kết thúc hành trình di chuyển.

- Không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…); che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

- Phải cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.

- Hạn chế ăn, uống, nói chuyện trên phương tiện giao thông công cộng.

- Thông báo ngay cho người điều khiển, người phục vụ phương tiện nếu thấy bản thân hoặc hành khách đi cùng có biểu hiện sốt, ho, khó thở./.

  • Từ khóa