Trả lời bạn xem truyền hình ngày 10/08/2021

Thứ 3, 10.08.2021 | 10:28:26
919 lượt xem

Câu 1. Ông Lê Hồng Sơn, trú tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng hỏi: Khi chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký học cho con, gia đình tôi phát hiện các giấy tờ của con đã bị ghi nhầm mục “dân tộc”. Xin hỏi, khi xác định lại dân tộc từ dân tộc của mẹ sang dân tộc của bố thì sẽ phải cải chính, bổ sung hộ tịch như thế nào? Trên sổ hộ khẩu gốc có cần đính chính hay sửa đổi gì không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn”.

Theo khoản 3 của Điều này, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

“a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình”.

Tóm lại, con của Ông thuộc trường hợp xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha (đổi từ dân tộc của mẹ sang dân tộc của cha). Lưu ý, việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó. Đồng thời, pháp luật cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.

Khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định: “Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Như vậy, nếu bố mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau, nên việc khai sinh cho con ghi theo dân tộc của bố hay mẹ đều đúng quy định của pháp luật.

Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc được quy định tại Điều 47 Luật này như sau:

“1. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật; trình tự được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

2. Thủ tục yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật này”.

Cụ thể, người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch. Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Ông cần chuẩn bị hồ sơ như trên, nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của Ông để được xem xét giải quyết đề nghị xác định lại dân tộc. Bởi vì, theo khoản 3 Điều 46 của Luật này, “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.

Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, từ ngày 01/7/2021, Ông không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu như trước đây. Bởi vì, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định: “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.

Câu 2. Bà Hà Thị Thu, trú tại xã Châu Sơn, huyện Đình Lập hỏi: Những lưu ý sau khi tiểm chủng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bao gồm những gì?

Trả lời:

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định só 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 về việc ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vacxin phòng COVID-19. 

Hầu hết các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

Sau khi tiêm chủng theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm. Đối với cơ sở tiêm chủng sử dụng bản in phiếu khám sàng lọc thì thực hiện nhập thông tin của người đã được tiêm sau khi tiêm xong.. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 ; Hướng dẫn đối tượng tiêm vắc xin tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. ..

Tại văn bản hướng dẫn những lưu ý sau khi tiểm chủng:

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

- Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

+ Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

+ Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu, khi thấy một trong các dấu hiệu sau hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:

-Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Toàn thân:

+. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

+ Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.

+ Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt./.

  • Từ khóa