Trả lời bạn xem truyền hình ngày 28/09/2021

Thứ 3, 28.09.2021 | 08:42:17
1,533 lượt xem

Câu 1. Ông Vi Văn Đức, trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bị xử lý như thế nào  theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định ( nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên); Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ (cha mẹ với con; ông bà với cháu) và giữa những người có họ trong phạm vi ba đời ( những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, phong tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội. Để ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi này pháp luật quy định chế tài xử lý như sau:

I. Xử phạt hành chính: Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định mức xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

II. Xử lý hình sự: 

 1. Đối với hành vi tổ chức tảo hôn:

Điều 183 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

2. Đối với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ:

 Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội loạn luân như sau “Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngoài các quy định trên, người có hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi hoặc Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi quy định tại các Điều 142; 145 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.


Câu 2. Ông Lý Quốc Tuân, trú tại Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc hỏi: Việc xác minh tài sản, thu nhập đối với đối tượng phải kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng được tiến hành dựa trên các căn cứ nào? Nếu kết quả xác minh tài sản, thu nhập khảng định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Về căn cứ xác minh tài sản, thu nhập được quy định tại khoản 1, Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, theo đó cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:

“a) Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;

b) Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;

c) Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;

d) Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;

đ) Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật này.”

Trường hợp kết luận xác minh về tài sản, thu nhập của người có thẩm quyền khảng định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, cụ thể như sau:

“1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

2. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

4. Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.”/.

  • Từ khóa