Trả lời bạn xem truyền hình ngày 09/11/2021

Thứ 3, 09.11.2021 | 10:56:35
1,060 lượt xem

Câu 1. Ông Nông Đức Vinh, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hỏi: Những trường hợp thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hằng tháng, cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 24 tháng 6 năm 2021 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có quy định đối tượng thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng… cũng như trách nhiệm của cơ quan liên quan thực hiện việc này. Cụ thể:

Điều 2. Thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

1. Đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP bao gồm:

 a) Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

 b) Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

 c) Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội;

 d) Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách;

 đ) Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

 2. Thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trường hợp sau đây:

 a) Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;

 b) Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định;

 c) Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP;

 d) Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

 3. Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau đây:

 a) Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;

 b) Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.

 c) Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

 4. Công chức phụ trách công tác Lao động- Thương binh và Xã hội cấp xã lập danh sách đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi văn bản đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.


Câu 2. Ông Triệu Văn Phú, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng hỏi: những trường hợp nào người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân đã có quy định rất cụ thể, rõ ràng (điều 4, chương I). Theo đó, nếu thuộc các trường hợp sau thì người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân và phải giải thích cho công dân lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân:

 - Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

 - Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

 Riêng với trường hợp sau thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân sẽ ra Thông báo từ chối tiếp công dân:

 Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.


Câu 3. Ông Mai Văn Đức, trú tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc hỏi: Tội tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.

Cụ thể, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; đối với từ 05 người đến 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình, nếu có đủ cơ sở xác định trong nhóm người trên có hành vi tẩy, xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, nội dung ghi trong hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực, thẻ tạm trú và thẻ thường trú, sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thì có thể phạt tiền tới 5.000.000 đồng./.

  • Từ khóa